Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Hội chứng nhớ lầm của Trung Quốc (Prospect 10/7/2014)

Nguồn: http://www.prospectmagazine.co.uk/world/chinas-false-memory-syndrome
Bill Hayton; ĐLK dịch
---------- 
Người dân cả nước Trung Quốc đã được giáo dục tuyên truyền sai trái rằng chính người Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên cho các đảo ở Biển Đông. 

Biển Đông là nơi những tham vọng của Trung Quốc đụng độ với sự lo lắng của các nước châu Á cũng như sức mạnh của Mỹ. Tại vùng biển này họ đã vứt bỏ vẻ ngoài “trỗi dậy hòa bình” trước nay vẫn rao giảng để chạy theo chính sách ngoại giao pháo hạm. Những chiếc tàu tuần duyên được vũ trang của Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu Việt Nam, cô lập đường tiếp tế cho các tiền đồn của Philippines, cản trở các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia và đe dọa lực lượng cảnh sát biển Indonesia ra bảo vệ ngành ngư nghiệp của mình. Để đối phó, các nước này đang mua sắm vũ khí nhiều hơn cũng như tăng cường quan hệ quân sự với những nước khác cũng đang lo lắng với sự quyết đoán của Trung Quốc – chủ yếu là Mỹ, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.


"Cốt lõi của tất cả những rắc rối hiện nay là việc Bắc Kinh đòi hỏi “chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi” đối với 80% Biển Đông, 1500km từ cảng Hồng Kông ra đến sát bờ biển đảo Borneo. Vấn đề của tuyên bố này là không có đủ chứng cứ tin cậy. Thế nhưng sự hư cấu lịch sử này lại đang đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Á và tạo ra một vũ đài tranh đấu giữa Trung Quốc và Mỹ với những tác động mang tính toàn cầu. Dường như rất khó có thể tin rằng cuộc đối đầu tiềm năng có tính huỷ diệt này lại có gốc rễ là tranh chấp về những đảo rải rác gần như hoàn toàn không thể sinh sống được"

Trên Biển Đông có 2 quần đảo chính (Chỉ có một số rất ít là đảo nổi, đa số chỉ là bãi đá ngầm, doi cát và đá nổi). Phía bắc là quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phía nam là quần đảo Trường Sa trải rộng hơn và cũng đang có các nước Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Philippines tuyên bố chủ quyền tại đây. Hầu hết những nơi hoang vu này đều được đặt tên bằng tiếng Anh theo tên những con tàu và thủy thủ đã vẽ chúng vào bản đồ. Richard Spratly là một thuyền trưởng tàu săn cá voi đã đánh dấu hòn đảo mình phát hiện vào năm 1834, tàu thăm dò HMS Iroquois cũng đã đặt tên của nó cho bãi đá Iroquois (Đá Khúc Giác) trong chuyến khảo sát thực hiện những năm 1920 tại đây.

Lần đầu tiên, vào năm 1935 một ủy ban của chính quyền Trung Quốc đã đặt tên bằng tiếng Trung cho các đảo ở Biển Đông và họ cũng chỉ đơn giản dịch hoặc phiên âm từ những tên đảo trong tiếng Anh để nghe cho có âm Trung Quốc. Chẳng hạn như ở quần đảo Hoàng Sa, Antelope Reef trở thành Líng Yang, North Danger Reef thành Běi Xiǎn (nghĩa là Bắc Hiểm), Spratly thành Si-ba-la-tuo (phiên âm từ tiếng Anh). Ủy ban trên đơn thuần sao chép các bản đồ của người Anh kể cả tất cả những lỗi trong đó. Các tên đảo này sau đó được đảo lại một lần nữa. Chẳng hạn như Scarborough Shoal, được đặt theo tên một chiếc tàu Anh vào năm 1748. Ban đầu người Trung Quốc phiên âm thành Si Ge Ba Luo vào năm 1935, sau đó, vào năm 1947 Trung Hoa Cộng hòa Dân quốc đã chuyển thành Min’zhu Jiao – Bãi đá Dân Chủ. Cuối cùng, năm 1983 nước CH Nhân dân Trung Hoa lại đổi tên này thành Huangyan (Đá Vàng).

“Chưa có bằng chứng khảo cổ học nào chứng tỏ tàu thuyền Trung Quốc đã đi ngang qua vùng biển này trước thế kỷ thứ 10.”
Hiện nay, có vẻ như các cơ quan hữu trách của Trung Quốc hoàn toàn không chú ý đến vấn đề này. Lý lẽ chính thức hiện nay của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền “không thể tranh cãi” của họ đối với Biển Đông thường bắt đầu với câu “người Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện và đặt tên Quần đảo Nansha.” Trên thực tế “người Trung Quốc” chỉ sao chép những cái tên đảo từ trong tiếng Anh. Ngay cả từ “Nansha” (nghĩa là “cát phía nam”) cũng không cố định mà di chuyển lanh quanh trong các bản đồ Trung Quốc. Vào năm 1936 tên này được sử dụng để mô tả một vùng biển nông được người Anh gọi là “Macclesfield Bank” (đặt tên theo một chiếc tàu Anh Quốc). Năm 1947, trên các bản đồ Trung Quốc, tên Nansha được di chuyển xuống phía Nam để chỉ Spratly Islands (quần đảo Trường Sa).

Nếu xét lại thật đầy đủ mỗi lý lẽ mà phía Trung Quốc đưa ra, có lẽ phải tốn nhiều giấy mực. Tuy nhiên việc này cũng đủ để nói lên một điều rằng chưa có chứng cứ khảo cổ học chứng tỏ có bất cứ tàu thuyền Trung Quốc nào đi qua vùng biển này trước thế kỷ thứ 10. Cho đến thời điểm đó tất cả những chuyến giao thương và khảo sát chỉ là của tàu thuyền của người Malay, Ấn Độ và A rập. Cũng có thể trên những chiếc thuyền này họ có mang theo những hành khách người Trung Quốc. Những chuyến hải hành đáng nói nhất của những “đô đốc thái giám” người Trung Quốc, bao gồm cả Trịnh Hòa, cũng chỉ diễn ra và gộp lại được khoảng 30 năm và mãi cho đến những năm 1430. Mặc dù sau đó những thương nhân và ngư dân của họ có đi lại trong vùng biển này nhưng các triều Trung Quốc chưa từng đến các vùng biển sâu cho đến sau Thế chiến thứ 2 chính phủ Quốc dân đảng của họ được Mỹ và Anh Quốc cung cấp tàu thuyền đủ sức đi xa.

Lần đầu tiên một quan chức chính phủ Trung Quốc đặt chân lên quần đảo Trường Sa là vào ngày 12 tháng 12/1946, thời điểm đó Anh Quốc và đế quốc Pháp đã áp đặt chủ quyền trên vùng biển này. Trước đó vài thập kỷ, vào ngày 6 tháng 6/1909, một ủy ban cấp tỉnh của Trung Quốc đã đến Hoàng Sa và đây có vẻ là một chuyến công tác trong ngày được 2 người Đức mượn từ hãng buôn Carlowitz dẫn đường. Vậy mà từ những hoạt động đánh dấu mờ nhạt đó họ đã dấy lên những xung đột mang tầm quốc tế.

Đây là một bức tranh toàn cảnh lịch sử được một nhà nghiên cứu độc lập phác họa nên. Tuy nhiên, nếu đưa ra với hầu như bất cứ người Trung Quốc nào, họ sẽ phản ứng lại đầy hoài nghi. Từ lớp học đến văn phòng ngoại giao, người Trung Quốc luôn ghi nhớ rằng chủ quyền của họ đối với Biển Đông là một sự kiện đã được xác định. Vậy làm thế nào một ý thức quốc gia như thế đã phát triển quá mạnh mẽ từ những cơ sở không vững chắc?

Có lẽ câu chuyện bắt đầu với Chiến tranh Nha phiến vào năm 1840 và cái mà ngày nay người Trung Quốc gọi là “một thế kỷ quốc nhục” sau đó. Trung Quốc chịu đau đớn dưới bàn tay của chủ nghĩa đế quốc Phương Tây và Nhật Bản: hàng nghìn người bị giết, các thành phố trở thành tô giới và chính phủ sa vào tình trạng phải cầm cố, nợ nần với các ngân hàng quốc tế.

Nhà nghiên cứu địa lý William Callahan và cộng sự đã phác thảo ra cách thức những người quốc gia và cộng sản từ từ dung dưỡng một tinh thần chung về việc lãnh thổ bị xâm phạm để huy động toàn dân chống lại sự cai trị của nước ngoài. Từ những năm 1900 về sau, những nhà nghiên cứu địa lý của Trung Quốc, chẳng hạn như Bạch Mi Sơ , một trong những nhà sáng lập của Hội Địa lý Trung Quốc, đã bắt đầu vẽ bản đồ để trưng bày với dân chúng rằng bao nhiêu lãnh thổ đã bị xâu xé bởi các thực dân - đế quốc.

Những “bản đồ quốc nhục” này cũng nhận vơ rằng lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc bao gồm tất cả những nước chư hầu trước đây của họ từng triều cống cho các hoàng đế Trung Hoa. Sự “gồm thâu” này bao gồm cả bán đảo Triều Tiên, những vùng rộng lớn của Nga, Trung Á, Himalaya và nhiều phần ở Đông Nam Á. Trên những bản đồ này họ đã vẽ những đoạn bao quanh Biển Đông. Đây chính là cái mà hiện nay được gọi là đường “chữ U” hay “9 đoạn” chiếm lấy 80% Biển Đông và tất cả những dảo trong đó. Việc “tiện tay vẽ bản đồ” này căn cứ trên sự hiểu sai về lịch sử Đông Nam Á là cơ sở cho những đòi hỏi chủ quyền hiện nay của Trung Quốc.

Trung Quốc rõ ràng đã chịu đựng khổ đau vì sự thống trị của người nước ngoài nhưng chính quyền mới kế thừa đống hoang tàn của Thanh Triều và những cuộc nội chiến sau đó đã tìm ra niềm an ủi trong một ký ức sai lệch. Ký ức đó có quá ít mối liên hệ với những gì thực sự diễn ra trong lịch sử. Khi du khách đến thăm triển lãm “Con đường Phục hưng” mới đây ở Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn, họ sẽ thấy hội chứng "nhớ lầm" này là một thành phần quan trọng trong câu chuyện hoang đường đang được hợp pháp hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc: rằng việc này sẽ cứu đất nước khỏi sự sỉ nhục.

Các học giả và ủy ban chính phủ theo chủ nghĩa quốc gia của Trung Quốc trong nửa đầu thế kỷ 20 đã truyền lại cho Đảng CS Trung Quốc một “lịch sử chính thống” hoàn toàn dối trá. Không phải là từ các đám đông theo chủ nghĩa quốc gia tuần hành trên đường mà chính thứ “lịch sử” này đã làm cho những xung đột tại Biển Đông trở nên quá khó giải quyết và thật nguy hiểm. Thế nhưng, nếu Đảng CS Trung Quốc thừa nhận sự dối trá này, vị trí thống trị của họ trong xã hội Trung Quốc sẽ bị lung lay dữ dội.

Thật không may hiện không có phương pháp thay thế dễ dàng cho những xung đột đang tiếp diễn tại Biển Đông. Không bên nào muốn khiêu khích một cuộc đụng độ trực diện nhưng cũng không bên nào sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng bằng cách dịu giọng trong tuyên bố chủ quyền của mình. Một số quan chức Trung Quốc đã thừa nhận trên cương vị cá nhân rằng đòi hỏi “đường chữ U” là phi lý. Tuy nhiên họ cũng cho rằng bản thân mình không thể điều chỉnh được chính sách trên vì những lý do chính trị - sự chỉ trích trong nước sẽ rất lớn. Vậy làm sao thuyết phục được người dân Trung Quốc đổi sang cách nhìn nhận khác về lịch sử Biển Đông?

Có lẽ một câu trả lời nằm ở Đài Loan. Ở đây cơ hội cho một người tự do tranh luận về lịch sử Trung Quốc lớn hơn nhiều so với ở đại lục. Đã có một số nhà nghiên cứu “bất đồng” cân nhắc lại những phương diện của lịch sử thế kỷ 20. Đài Loan cũng là nơi còn lại của Cộng hòa Trung Hoa, chính quyền đã vẽ “đường 9 đoạn” lần đầu tiên. Một cuộc kiểm tra xem xét có tính mở và thấu đáo về tiến trình vẽ ngẫu hứng “đường 9 đoạn” sẽ thuyết phục những người tiên phong có ý tưởng tai hại này xem xét lại những câu chuyện hoang đường của chủ nghĩa quốc gia mà người Trung Quốc đã từ lâu xem như sự thật tuyệt đối.

Có lẽ lý do mạnh mẽ nhất để bắt đầu việc này tại Đài Loan là chính quyền Bắc Kinh lo sợ rằng nếu nhượng bộ trước, họ sẽ bị Đài Bắc lớn tiếng chỉ trích. Nếu nhà chức trách Đài Loan thực sự muốn giảm căng thẳng liên quan đến bản đồ tại Biển Đông, sẽ dễ dàng hơn cho chính quyền Bắc Kinh làm điều tương tự. Chìa khóa cho một tương lai hòa bình ở châu Á nằm ở một cuộc xem xét lại quá khứ một cách trung thực và nghiêm túc.
------
Cuốn sách Nghiên cứu Biển Đông và sự tranh giành quyền lực tại châu Á của Bill Hayton sẽ được  Yale University Press xuất bản vào tháng 9 tới.

http://www.prospectmagazine.co.uk/other/chinas-false-memory-syndrome

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét