Cuộc tìm kiếm dưới lòng biển lạnh
64 cán bộ chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận chiến ngày 14.3.1988. Ngoài một số hy sinh trên đảo Sinh Tồn với những vết thương chí tử và một số thi thể đã được đồng đội đưa ngay về; còn 56 thi thể khác vẫn nằm lại nơi chiến trường biển sâu. Cùng những người lính anh dũng của mình, con tàu HQ 604 chìm tại khu vực cách đảo Gạc Ma 1 hải lý về phía tây, cách đảo Cô Lin 3,72 hải lý về phía nam, như một ngôi mộ tập thể. Thế nhưng, phải 20 năm sau mới xác định vị trí xác tàu và bước đầu lặn vớt, đưa được một số hài cốt các anh lên khỏi đáy biển lạnh.
Chuyện là ngày 10.8.2008, khi đang đánh bắt hải sản tại khu vực gần đảo Cô Lin, tàu cá Quảng Ngãi QNg 96219 phát hiện 1 xác tàu vận tải quân sự Việt Nam nằm ở độ sâu 21m, trong tàu có hài cốt của nhiều người. Lập tức ngư dân báo cho Ban chỉ huy đảo Cô Lin, để rồi rất nhanh chóng, thông tin trên được báo cáo lên Sở chỉ huy Vùng 4 Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo nhận định của Quân chủng Hải quân, đây chính là tàu HQ 604 bị chìm trong trận đánh với hải quân Trung Quốc ngày 14.3.1988.



Thư của con gái Thu Hà ở Phủ Lý (Hà Nam) gửi bố Trần Đức Thông làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, tháng 3.1988 . 


Cùng ngày phát hiện xác tàu HQ 604, tàu Thành Công 07 chuyên nghề lặn thu gom phế liệu đang có mặt trên vùng biển Trường Sa. Hai chủ tàu này vốn quen biết nhau, nên sau khi chủ tàu QNg 96219 cho biết Quân chủng Hải quân nhờ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Võ Văn Chức - thuyền trưởng tàu Thành Công 07 - lập tức chỉ huy con tàu cùng đội thợ lặn tới ngay khu vực tàu đắm.
Việc khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hôm ấy gặp vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Không chỉ vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mà còn vì liên tiếp 3 lần tàu Thành Công 07 bị tàu hộ vệ tên lửa 557 của Trung Quốc thường trực ở đảo Gạc Ma lao ra truy đuổi. Tới 16 giờ ngày 10.8.2008, ông Võ Văn Chức vào đảo Cô Lin cung cấp thông tin: Tàu chìm dưới biển không rõ số hiệu, chiều dài khoảng 45m, rộng 7,5m, cao 6.5m. 

Tàu có 2 khoang, giữa 2 khoang có 1 trụ cẩu, kiểm tra sơ bộ 1 khoang có 6 xương ống chân và nhiều xương vụn. Đồng thời bàn giao những vật thu gom được bước đầu cho Ban chỉ huy đảo Cô Lin: 1 khẩu B41 cùng 3 quả đạn, bệ khóa nòng và thoi đẩy của tiểu liên AK, 1 cuốc chim. Ngoài ra, thợ lặn còn mang lên được một đôi dép nhựa, dù ở sâu dưới lòng biển ngót hai chục năm vẫn còn rõ dòng chữ “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam - HCV - dép nhựa Tiền Phong, Hải Phòng”.



Huân chương chiến công của liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch. 


Tới 15 giờ hôm sau, ngày 11.8.2008, tàu Thành Công 07 tiếp tục bàn giao cho đảo Cô Lin một bao tải hài cốt gồm 4 xương sọ, một số xương ống chân, cánh tay, xương sườn và vài vật dụng cá nhân. Toàn bộ số hài cốt, vật dụng này lập tức được các chiến sĩ trên đảo Cô Lin lau rửa cẩn thận, tiến hành hương khói. Theo các thợ lặn tàu Thành Công 07 thì trong ngày 11.8 thực ra họ đã gom được số hài cốt nhiều hơn, đặt vào 2 bao tải, thì xảy ra sự cố 1 thợ lặn chết trong quá trình lặn tìm, nên chỉ đưa lên được 1 bao hài cốt.
Sau sự cố trên, tàu Thành Công 07 đã nhiều lần quay lại khu vực tàu HQ 604 chìm, nhưng vị trí tìm kiếm chỉ cách đảo Gạc Ma 1 hải lý nên bị tàu quân sự Trung Quốc xông ra truy đuổi quyết liệt. Vì vậy, chiếc bao tải đựng hài cốt liệt sĩ chưa kịp đưa lên, vẫn nằm lại với xác con tàu.
Đưa các anh về đất mẹ
Hài cốt liệt sĩ từ đảo Cô Lin được đưa về đất liền, chuyển đến Viện Pháp y Quân đội, được bảo quản và ngày đêm hương khói. Theo phán đoán ban đầu của các bác sĩ Viện Pháp y Quân đội, thì số hài cốt này của khoảng 7 đến 8 người. Không có bộ nào trọn vẹn, có hài cốt chỉ còn vẻn vẹn chiếc xương ống tay, xương sườn...
Bộ Tư lệnh Hải quân đã thành lập 3 đoàn công tác đi đến từng gia đình của 56 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN, cung cấp cho Viện Pháp y Quân đội. Thượng tá Phạm Văn Minh (trợ lý Phòng Chính sách - Quân chủng Hải quân Việt Nam) nhớ lại: Trong số 56 chiến sĩ hy sinh, chỉ có 4 đồng chí có vợ, con, còn lại đều là thanh niên độc thân. Khi chúng tôi tìm đến, nhiều gia đình chiến sĩ bố mẹ đã mất cả, anh chị em thì sống ở nhiều nơi khác nhau, rất khó khăn cho việc lấy mẫu sinh phẩm. Yêu cầu của mẫu sinh phẩm là phải lấy, đem về Viện Pháp y Quân đội ngay trong ngày thì mới cho kết quả chính xác, nên chúng tôi phải chạy đua với thời gian.

Ông Đoàn Tuấn Nghĩa (bố liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch) bên di ảnh con trai.

Cùng thời điểm, tại Hà Nội, các bác sĩ Viện Pháp y Quân đội xác định được số hài cốt đưa về từ xác tàu HQ 604 thuộc về 8 chiến sĩ. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam làm nhận dạng hài cốt có số lượng mẫu so sánh lớn như thế đối với các hài cốt bị lẫn lộn. Như vậy, cứ một mẫu hài cốt phải lần lượt so sánh, đối chiếu với 56 mẫu sinh phẩm để xác định đó là hài cốt của ai trong số 56 chiến sĩ hy sinh trên tàu HQ 604.
Sau quá trình nghiên cứu, so sánh đối chiếu mẫu ADN, danh tính 8 liệt sĩ đã được xác định, các anh là người con của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An và Quảng Bình. Ngày 20.11.2009, Bộ Tư lệnh Hải quân đã phối hợp với Viện Pháp y Quân đội tổ chức công bố kết quả giám định ADN và bàn giao hài cốt cho thân nhân liệt sĩ. Biểu tượng Tổ quốc ghi công làm bằng khối pha lê có chứa giọt gene ADN của mỗi liệt sĩ cũng được trao cho 8 gia đình.
Đại tá Nguyễn Kiều Kinh - Trưởng phòng Chính sách (Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân) - chia sẻ: Trước đó, xe của Bộ Tư lệnh Hải quân đã về tận nhà đón thân nhân của liệt sĩ đưa về nhà khách Hải Thành (TP.Hải Phòng), nghỉ lại một đêm rồi 4 giờ sáng hôm sau lên Hà Nội. Đêm đó, chẳng ai ngủ, họ đều thao thức đếm từng phút để được “gặp mặt” người thân sau bao nhiêu năm xa cách. 

Sau khi công bố kết quả giám định và bàn giao cho thân nhân gia đình từng liệt sĩ, những chiếc xe quân đội gắn vòng hoa trang trọng tỏa về các hướng: Hải Phòng (liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch ở quận Lê Chân, liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải ở huyện Thủy Nguyên), Thái Bình (liệt sĩ Trần Văn Phòng ở huyện Kiến Xương, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm ở huyện Hưng Hà), Nghệ An (liệt sĩ Đậu Xuân Tư và liệt sĩ Hồ Văn Nuôi đều ở huyện Nghi Lộc) và Quảng Bình (liệt sĩ Trần Văn Quyết ở huyện Quảng Trạch, liệt sĩ Trần Quốc Trị ở huyện Bố Trạch).

Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày đón nhận hài cốt liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch, nhưng ông Đoàn Tuấn Nghĩa (bố liệt sĩ Hoạch) vẫn rưng rưng xúc động: “Con trai chúng tôi hy sinh từ năm 1988 ở Trường Sa, 20 năm sau tôi được đề nghị xét nghiệm ADN, lúc đó tôi cũng chẳng hy vọng gì nhiều, vì nghĩ bao nhiêu người hy sinh ở đất liền còn chẳng tìm thấy xác nữa là giữa biển cả bao la.

Hình hài của con trai tôi chỉ còn lại một mảnh xương sọ có vết đạn bắn xuyên thủng và một đoạn xương chày phải đặt trong tiểu sành phủ cờ Tổ quốc, nhưng chừng đó cũng khiến chúng tôi được an ủi rất nhiều. Tôi mong sao một ngày không xa, hài cốt những đồng đội của con trai tôi sẽ được cất bốc, đưa về an táng tại quê nhà”. Nỗi niềm của ông Nghĩa cũng là tâm sự, nỗi day dứt của những người lính hải quân, của người dân Việt.