Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Trung Quốc không muốn "quốc tế hóa" Biển Đông (TBKTSG 31/5/2014)

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/115541/Trung-Quoc-khong-muon-%E2%80%9Cquoc-te-hoa%E2%80%9D-bien-Dong.html
----------

Trung Quốc không muốn “quốc tế hóa” biển Đông

Lê Hữu Huy (*)
Thứ Bảy,  31/5/2014, 08:42 (GMT+7)


TBKTSG) - Mặc dù không có lãnh thổ tranh chấp trên biển Đông nhưng Singapore lại là quốc gia đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của các diễn đàn hợp tác ASEAN vào năm 1999 với tư cách chủ trì các cuộc họp thường niên của ASEAN trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Theo chia sẻ của Giáo sư Jayakumar, cựu Phó thủ tướng vào thời điểm đó giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, trong ARF lần thứ sáu, Singapore đã được sự đồng ý của các nước khác nhằm cơ cấu lại hình thức (format) của ARF để cho phép thảo luận tập trung hơn những chủ đề cụ thể. Phía Singapore cho rằng hình thức mới sẽ cải thiện nội dung thảo luận và làm ARF thú vị và bổ ích hơn chứ không như trước đây là diễn giả nói lan man mỗi thứ một chút.

Nhưng Trung Quốc lại tỏ vẻ không hài lòng và phản ứng dữ dội trước viễn cảnh “quốc tế hóa” nói trên và yêu cầu Singapore “cơ cấu” lại những chương trình thảo luận trong ARF nếu không thì quan hệ hai nước sẽ bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền còn đích thân viết thư gửi ông Jayakumar phản đối và quyết định hoãn một chuyến viếng thăm chính thức đến Singapore.

Trong lá thư này, ông Đường còn cho biết sẽ vận động (lobby) bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên ASEAN khác để quay lại hình thức thảo luận cũ nhằm tránh trao đổi về tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, lập trường mềm mỏng nhưng kiên quyết của Singapore trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã khiến Trung Quốc nhượng bộ và kết quả là tranh chấp biển Đông đã từng bước được quốc tế hóa.

Biển Đông là cửa ngõ giao thông quan trọng cho thương mại, hàng hải và bưu chính viễn thông trong khu vực Đông Nam Á. Nếu như 80% trao đổi thương mại trên thế giới là qua đường biển thì một phần ba trong số đó cùng với phân nửa giao dịch dầu khí thông qua biển Đông. Do đó, tự do cho tàu bè đi lại trong khu vực biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và các nước tham gia vào mạng lưới giao thương quốc tế và có quyền lực về hàng hải. Theo các nhà khoa học, biển Đông cũng dồi dào các loại cá và các nguồn tài nguyên sinh vật khác tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người châu Á sống bằng nghề đánh bắt hải sản dọc bờ biển và nhất là tiềm năng dầu khí đáng kể trên thềm lục địa.

Dưới con mắt của các nhà công pháp quốc tế, biển Đông là đối tượng tranh chấp của nhiều nước trong khu vực như Brunei, Malaysia, Philippines, trong đó căng thẳng nhất là Trung Quốc và Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho đến nay, luật lệ duy nhất chi phối quyền lãnh thổ trên biển Đông là Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) với các bên tham gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 nước thành viên ASEAN.

Theo Giáo sư Tommy Koh, người đã từng là Đại diện Thường trực của Singapore tại Liên hiệp quốc và nay là Chủ tịch Trung tâm Luật Quốc tế của Đại học Quốc gia Singapore, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không mấy rõ ràng. Theo luật điều ước quốc tế (law of treaties), là bên tham gia ký kết, Trung Quốc sẽ bị ràng buộc bởi luật lệ UNCLOS và có nghĩa vụ pháp lý và hành xử phù hợp với điều ước.

Cơ sở pháp lý không rõ ràng của Trung Quốc cũng được Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Luật pháp Singapore, ông Kasiviswanathan Shanmugam, nêu lên trong bài phát biểu tại Diễn đàn Toàn cầu của Ủy ban người Do Thái tại Mỹ tổ chức tại Washington vào ngày 13-5 vừa qua. Ông cũng không ngần ngại cho cử tọa Mỹ biết điều này đã được xác nhận bởi một học giả người Trung Quốc hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc. Ngoài ra, trong lúc không muốn dựa vào cơ sở pháp lý và kỹ thuật cho đòi hỏi chủ quyền thì Trung Quốc lại yêu cầu Mỹ không can thiệp những vấn đề nội bộ của châu Á.


(*)Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét