Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Chính sách “nhất quán” đầy mâu thuẫn của Trung Quốc trên Biển Đông (The Diplomat, 24/5/2014)


Chính sách “nhất quán” đầy mâu thuẫn của Trung Quốc trên Biển Đông

Luận điểm về chính sách đối ngoại nhất quán của Trung Quốc đã sụp đổ hoàn toàn trên Biển Đông.

Ryan Santicola
24 Tháng 5 2014
Phương Anh dịch
----------
Trong bài viết ngày 18/5 trên tờ The Diplomat, tác giả Adrien Morin cho rằng Trung Quốc có một chính sách đối ngoại nhất quán là không gây hấn đối với phương Tây – một nhận định dựa trên những chính sách của TQ trong cuộc khủng hoảng Syria. Luận điểm của Morin có thể đúng với chủ trương không can thiệp của Trung Quốc ở Syria, nhưng nó  sụp đổ hoàn toàn khi suy đoán về tình hình Biển Đông.

Mặc dù có người cho rằng chính sách của TQ trên Biển Đông không phải là "chính sách đối ngoại", nhưng trên thực tế nó chính là như vậy - không phải vì lãnh thổ và vùng biển đang tranh chấp rõ ràng là vùng biển quốc tế, mà vì vấn đề tranh chấp có liên quan đến nhiều quốc gia có chủ quyền và cần được thực hiện bằng con đường ngoại giao. Việc Trung Quốc tán thành các hiệp định đa phương và song phương liên quan đến Biển Đông đã khẳng định thực tế này – bởi, nếu không thì tại sao Trung Quốc lại ký những hiệp ước quốc tế liên quan đến một khu vực mà nó thực sự tin rằng mình hoàn toàn có chủ quyền?

Trong thực tế, Trung Quốc luôn lập đi lập lại điệp khúc phổ biến rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông là thông qua công cụ của chính sách đối ngoại, cụ thể là đàm phán song phương. Đây là lời giải thích của Trung Quốc về việc từ chối không  tham gia Tòa án Trọng tài Thường trực cùng với Philippines. Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng lấy lý do này để cố tình kéo dài thời gian quyết định về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với ASEAN.

Vậy, phải chăng chính sách đối ngoại nhất quán của Trung Quốc trên Biển Đông là chính sách song phương? Không phải thế. Khi nói đến Biển Đông, và đây chính là chỗ mà ông Morin đã nhầm lẫn, chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thực tế  rất khác với những gì mà họ đã đề ra. Chính sách này hoàn toàn không nhất quán mà gồm cả những yếu tố đa phương, song phương, và (gần đây nhất) là đơn phương, tóm lại là đã đạt đến mức độ thất thường không ai hiểu nổi.

Trong bối cảnh đa phương, Trung Quốc đã từng chứng minh rằng nó sẵn sàng thừa nhận các cam kết có tính ràng buộc lẫn không ràng buộc dù nó hoàn toàn không có ý định tuân thủ. Năm 1996, Trung Quốc đã ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhưng vẫn tiếp tục khẳng định các yêu sách về chủ quyền hàng hải hoàn toàn không phù hợp với công ước này. Trong phạm vi các cam kết không ràng buộc, Trung Quốc là một bên tham gia Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông Nam Á (DOC). Tuy nhiên , thông qua các hành vi quấy rối liên tục của các tàu Trung Quốc trong vùng biển quốc tế, hành động leo thang tại bãi đá ngầm Scarborough vào năm 2012, và việc tham gia vào các dự án cải tạo đất trong quần đảo Trường Sa vào năm 2014, quốc gia này đã trắng trợn bỏ qua các cam kết chính trị của mình để lờ đi không thực hiện DOC.

Tương tự như vậy, khi thực hiện các cam kết song phương, vốn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của TQ trên Biển Đông, nó cũng tỏ ra rất lấn át. Vào đầu tháng Năm, Trung Quốc đã đơn phương chuyển giàn khoan dầu HD -981 của Tổng Công ty dầu khí (CNOOC) vào vùng biển tranh chấp ngoài khơi bờ biển Việt Nam và trong vùng lân cận quanh quần đảo Hoàng Sa. Hành động này đã được thực hiện bất chấp thỏa thuận song phương năm 2011 giữa Trung Quốc và Việt Nam về "các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến vùng biển", trong đó cả hai quốc gia đã đồng ý giải quyết tranh chấp "thông qua đàm phán hữu nghị và tham vấn." Tương tự như vậy, vào năm 2012, sau trận đụng độ bất phân thắng bại tại bãi đá ngầm Scarborough, giữa TQ và Philippines đã có một cuộc đàm phán song phương mà theo đó cả hai bên sẽ phải rút tàu khỏi vùng biển tranh chấp; tuy nhiên Trung Quốc đã đơn phương vi phạm những cam kết về phía mình. Nói cách khác, cho dù các quốc gia có đồng ý với yêu cầu của Trung Quốc để áp dụng cơ chế song phương thay vì đa phương hoặc trọng tài thì cuối cùng họ cũng chỉ đạt được kết quả giống hệt như nếu họ chống lại các yêu sách của Trung Quốc ngay từ đầu – tức là, sẽ vẫn phải chấp nhận những hành động đơn phương từ phía Trung Quốc.

Có thể rút ra một kết luận khi xem xét việc thực hành chính sách đối ngoại trên Biển Đông của Trung Quốc. Kết luận đó là: điều nhất quán duy nhất trong chính sách của nước này chính là sự thiếu nhất quán và thiếu chiến lược rõ rệt của nó. Những mâu thuẫn nói trên này không chỉ gây nghi ngờ về thiện chí của Trung Quốc trong việc đàm phán và diễn giải các thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc và không ràng buộc, mà còn làm cho người ta nghi ngờ rằng với thái độ thiếu nhất quán như vậy từ Trung Quốc, liệu sự ổn định và hợp tác trong khu vực có khả dĩ hay chăng?
----
Ryan Santicola là một cố vấn quân pháp (judge advocate) trong Hải quân Hoa Kỳ . Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng hoặc Bộ của Hải quân Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét