Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Xáo trộn ở Biển Đông Nam Á (Straight, 15/5/2014)

XÁO TRỘN Ở BIỂN ĐÔNG NAM Á

Gwynne Dyer, 15/5/2014
Hà Nguyễn dịch

http://www.straight.com/news/646096/gwynne-dyer-trouble-south-china-sea

Nếu bạn đang lãnh đạo TQ, và bạn muốn làm phân tán sự chú ý của người dân đối với các vấn đề kinh tế trong nước bằng cách đẩy mạnh các tranh chấp lãnh thổ với một trong các nước láng giềng khiến chúng trở nên công khai, thì bạn sẽ chọn nước nào?

Không thể là Nhật, mặc dù đại đa số người TQ thực sự không ưa và không tin họ-vì đó là đồng minh của Mỹ, và TQ thì chưa sẵn sàng để đối đầu quân sự với hải quân HK. Cũng không phải là Philippines, với cùng lý do.

Thế nhưng VN, vốn là một nhà nước CS, thì hoàn toàn cô độc và không có đồng minh. Nước này là một lựa chọn hoàn hảo cho cuộc chơi, và nó sẽ diễn tốt phần vai của mình.

Hồi đầu tháng này, TQ đã đưa giàn khoan Haiyang Shiyou  981 vào khu vực biển Đông Nam Á-nơi mà VN cũng đã tuyên bố chủ quyền thềm lục địa.

VN đã cho tàu chiến ra để phản đối động thái này, rồi TQ lại gửi thêm tàu chiến tới để bảo vệ giàn khoan-Hà Nội cáo buộc TQ đã đưa vào khu vực tổng cộng 80 tàu thuyền kể cả tàu chiến-và thế là cuộc chơi bắt đầu: húc ủi, phun vòi rồng, và rất nhiều những phẫn nộ kiểu cho mình là đúng từ cả hai phía.

Chính quyền VN chưa bao giờ sợ việc thách thức TQ: nước này thậm chí đã từng chiến thắng người hàng xóm khổng lồ trong cuộc chiến tranh biên giới ở phía bắc năm 1979. Năm nay, lần đầu tiên Hà Nội đã cho công khai kỷ niệm cuộc đụng độ năm 1974 trong đó các lực lượng quân TQ đã chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và giết chết 40 thủy thủ của hải quân miền Nam VN thời trước. Vào tuần trước đã có những cuộc tuần hành chống TQ ở Hà Nội và TPHCM.

Chắc chắn đã có sự cho phép của chính quyền VN, vốn vẫn duy trì lối kềm kẹp dân chúng. Những gì đã xảy ra ở Bình Dương vào ngày 13/05 có lẽ không hẳn thế.

Báo cáo chính thức là có ba nhà xưởng do doanh nghiệp TQ làm chủ đã  bị đốt trong một khu công nghiệp, nhưng tường thuật của địa phương thì nói là có 19 ngàn công nhân lồng lộn chạy khắp khu công nghiệp và phóng hỏa 15 nhà máy.

Dĩ nhiên Hà Nội không hề muốn những chuyện như thế này xảy ra-họ lo sợ cho những khoản đầu tư nước ngoài vốn đang rất cần thiết –thế nhưng một khi chiếc nút dân tộc chủ nghĩa đã được bấm thì không ai có thể biết chắc chắn chuyện gì sẽ xảy tới.

Bắc Kinh cũng nên cẩn trọng về điều này, nếu quả thực họ đang thật sự sử dụng các tranh chấp biên giới để kích động lòng nhiệt thành dân tộc chủ nghĩa ở TQ. Chủ nghĩa dân tộc không phải là một công cụ chính xác.

Dĩ nhiên chúng ta không thể biết chắc chắn động cơ chính yếu của Bắc kinh là gì. Có thể đó chỉ là một sự bùng nổ thiếu chín chắn, do cái thói kiêu ngạo quyền lực nước lớn đã khiến TQ quá mạnh tay đối với những tranh chấp biên giới trong năm nay. Nhưng chắc chắn là họ đang làm điều đó.

Kể từ tháng một, TQ đã tuyên bố một “Khu vực Nhận Dạng Phòng không” trên quần đảo ĐIếu Ngư vốn cũng được Nhật tuyên bố chủ quyền. TQ cũng đã chọc tức Philippines bằng cách xây một đường băng và/hoặc căn cứ hải quân trên Rặng Johnson (mà chủ quyền cũng đang bị tranh chấp) ở quần đảo trường Sa. TQ thậm chí còn khiêu khích khiến Indonesia phải lần đầu tiên công khai thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Giờ đây họ đang nói tới việc thiết lập một khu vực tương tự như Vùng Nhận Dạng Phòng không trên hầu như toàn bộ vùng biển Đông Nam Á, tuyến hàng hải của hơn một nửa các trao đổi mậu dịch của thế giới.

Từ đầu năm nay TQ đã yêu cầu các tàu thuyền ngoại quốc  muốn đi vào khu vực mà họ cho rằng thuộc đặc khu kinh tế của họ thì phải hỏi xin phép trước-một lần nữa, hầu như toàn bộ khu này đều là biển Đông Nam Á-mặc dù TQ chưa thử thúc đẩy việc thi hành điều luật này cho thật khắt khe.

Khu vực mà TQ tuyên bố chủ quyền là những quần đảo không có người ở, những đảo nhỏ, bãi cát ngầm và các rặng san hô kéo dài hơn 750 km từ bờ biển phía nam của nước này.

Theo “đường chín đoạn” đã được vẽ trên các bản đồ của TQ mà vốn dĩ chỉ là nét vẽ chứ không thật chính xác mà Bắc kinh đã dùng để tuyên bố chủ quyền, thì vùng kiểm soát của họ mở rộng ra chỉ cách khoảng 50-75 km là tới bờ biển của tất cả các quốc gia ven biển khác.

Còn tuyên bố hình chữ U khổng lồ, vốn chiếm tới hơn 90% toàn bộ biển ĐNA, thì thực chất rất không bền vững vì thật khó mà dùng nó để biện luận theo luật pháp quốc tế.

Mà TQ cũng chẳng hề tìm cách chứng minh bằng các phương tiện pháp lý. Tháng trước, khi Philippines đệ trình bản “ghi nhớ” dài 4.000 trang lên cơ quan tư pháp giải quyết các tranh chấp lãnh hải thuộc Công ước LHQ về Luật Biển, thì TQ đã từ chối nộp hồ sơ kháng cáo hoặc phản hồi dưới bất cứ hình thức nào.

Vị thế của TQ đã tỏ rõ là, anh không cần phải chứng minh tuyên bố chủ quyền của anh trước tòa nếu như anh có thể áp đặt việc thực thi chủ quyền đó trên mặt đất (hay đúng hơn là, trên mặt biển). Và quả đúng như vậy, con số tuyệt đối và những sáng kiến đơn phương mà TQ đã thực hiện trong vài tháng vừa qua cho thấy là chính sách của nhóm cầm quyền mới ở BK (vốn sẽ còn hiệu lực trong mười năm tới) đang được lèo lái bởi não trạng đỏ rực màu máu.


Tuy nhiên, chế độ này rõ ràng là cũng muốn sử dụng việc đụng độ với kẻ thù ở bên ngoài để làm cho người dân TQ quên đi tình trạng suy thoái mà có lẽ sắp tác động nặng nề đến nền kinh tế TQ trong thời gian tới.
 
Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu có giao tranh nổ ra, thì có lẽ nó sẽ bắt đầu ở bờ biển VN trước hơn cả, đơn giản vì nước này không có hiệp ước phòng thủ với Mỹ.
-----------
Gwynne Dyer-phóng viên độc lập với các bài viết được phát hành ở trên 45 quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét