Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Những lựa chọn dành cho Indonesia trước mối đe dọa tại biển Đông (The Diplomat 28/2/2014)

Dẫn: Bài viết này không liên quan trực tiếp đến VN, nhưng những phân tích về tình hình tại Indonesia cũng có thể áp dụng cho VN. Vì vậy, chúng tôi cho dịch và giới thiệu bài viết này đến các bạn để tham khảo.
------------- 
Những lựa chọn dành cho Indonesia trước mối đe dọa tại biển Đông 
Clint Richard, 28/2/2014
ĐLK dịch

http://thediplomat.com/2014/02/indonesias-south-china-sea-options/
 
Indonesia có tiềm lực bảo vệ những lợi ích trên biển của mình, tuy nhiên hiện nay họ sẽ phải cần một đối tác. 

Vài năm trở lại đây Trung Quốc đã gia tăng những hành động quyết đoán tại biển Đông. Những đòi hỏi gần đây nhất của Trung Quốc về quyền đánh bắt cá trong hầu hết vùng biển này đã làm cho các nước khác trong khu vực lo lắng rằng Trung Quốc sẽ sớm lập vùng nhận diện phòng không (AIDZ) tại đây giống như việc họ tuyên bố đường 9 đoạn gây tranh cãi. Việc này sẽ giúp cho Trung Quốc giành quyền tài phán trên danh nghĩa đến sát thềm lục địa của hầu hết các nước Đông Nam Á.

Trong khi tất cả các nước tiếp giáp với vùng Trung Quốc đòi hỏi đang lo lắng về mối đe dọa đối với chủ quyền của mình, rất ít trong số họ có khả năng đối phó, đặc biệt là tự đối phó. Indonesia có lẽ là một quốc gia có khả năng phòng thủ nếu có sự hỗ trợ của một liên minh mạnh mẽ. Đất nước này cũng có tiềm lực hải quân có thể bảo vệ các vùng biển của mình. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc Indonesia có thể giữ vững được sự phát triển kinh tế của họ hay không cũng như việc họ có thể phát triển trở thành một cường quốc khu vực hay không.

Hiện đang có những dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy Trung Quốc có thể cố gắng thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Đông trong tương lai gần. Lý Kiệt, chuyên viên cao cấp của Học viện Hải quân Trung Quốc đã có chuyến khảo sát vùng biển này vào ngày 21 tháng 2 vừa qua. Trong một bài nói chuyện phản ứng lại nguồn thông tin từ quân đội Mỹ rằng Trung Quốc đang dự định lập vùng Nhận diện phòng không ở biển Đông vào năm 2015, Lý Kiệt nói rằng việc này là cần thiết cho những lợi ích lâu dài của Trung Quốc. 


Tiềm lực của Indonesia
Trong 10 năm qua, cả GDP và GDP trên đầu người của Indonesia đã tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2012, GDP của Indonesia tăng hơn 400% đạt 878 tỷ USD và GDP tính trên đầu người cũng đạt 3557 USD trong năm 2013. GDP trên đầu người vẫn tăng mặc dù dân số Indonesia tăng thêm 40 triệu người. Điều này chỉ ra rằng chính phủ Indonesia đang có một cơ cấu dân số tốt và nền tảng tài chính vững chắc từ đó có thể gia tăng việc chi tiêu cho quân sự.

Trong những năm qua các ngành công nghiệp dầu khí và khai khoáng đã trở thành đầu tàu cho thành công của nền kinh tế Indonesia. Tuy nhiên, những ngành này không phải là không có vấn đề. Một trong những vấn đề này là chúng do nhà nước quản lý. Các vùng khai thác dầu mỏ của Indonesia đang dần cạn kiệt và đã qua đỉnh sản lượng. Mặc dù vậy, trữ lượng khí đốt của Indonesia vẫn rất dồi dào và ngành khai thác khí than (CBM) của nước này có thể vẫn có thể mang lại những nguồn lợi to lớn.

Những vấn đề như đã nói trên đang làm hạn chế kế hoạch của chính phủ Indonesia trong việc đối phó với những bất ổn đối về an ninh trong khu vực. Ngành dầu khí của Indonesia có khung pháp lý hấp dẫn đầu tư nhưng việc các mỏ dầu đang giảm dần trữ lượng trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn tăng đồng nghĩa với lợi nhuận từ khai thác dầu đang giảm. Trong năm 2011 ngành dầu khí đóng góp 22% thu nhập của Indonesia. Nếu con số này giảm xuống, Indonesia phải tìm thêm một nguồn thay thế hoặc phải giảm chi tiêu quân sự. Hiện Indonesia đăng cố gắng khai thác lợi nhuận từ ngành này với mức thuế 44% trong năm 2013. Với việc sản lượng khai thác dầu giảm, khí đốt sẽ là nguồn chính được Indonesia trông đợi cho đến khi phát triển được những nguồn năng lượng mới.

Với khoảng 6% trữ lượng toàn cầu, khí than được Indonesia đưa vào chiến lược trở thành động lực lớn tiếp theo cho việc đầu tư năng lượng. Những nguồn khí than này được đánh giá lớn gấp đôi trữ lượng khí đốt tự nhiên của Indonesia. Tuy nhiên ngành khai thác này hiện nay vẫn còn khá mới mẽ. Công ty quốc doanh Bukit Asam thông báo rằng mỏ Tanjung Enim sẵn sàng sản xuất ra một lượng khí than đủ cung cấp cho một nhà máy điện công suất 200MW trong năm nay. Thế nhưng thỏa thuận cung cấp cho nhà máy phát điện vẫn chưa được tiến hành. Mặc dù với một thị trường năng lượng được ưu đãi và đặc thù địa lý thuận lợi, ngành công nghiệp này sẽ không trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Indonesia trong tương lai gần.

Môi trường pháp lý đối với ngành khai thác mỏ của Indonesia cũng chỉ ra một vấn đề khác đáng quan tâm. Năm 2009 một đạo luật gây tranh cãi được áp dụng yêu cầu các công ty phải tinh chế khoáng sản ngay tại Indonesia thay vì xuất thô. Mục đích của đạo luật này là nhằm giữ lợi nhuận lại trong nước thay vì xuất khẩu các tài sản quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các công ty nước ngoài rất lo lắng về việc áp dụng không công bằng đạo luật này cũng như vẫn rất mơ hồ liệu các hợp đồng trước đó có bị ảnh hưởng hay không.

Freeport và Newmont, hai trong số các công ty khai mỏ lớn nhất Indonesia, đã lên tiếng cho rằng đạo luật trên có thể buộc họ sa thải hàng nghìn lao động và làm giảm hàng tỷ USD lợi nhuận xuất khẩu. Các công ty này dọa sẽ đưa các hợp đồng trước khi có đạo luật này ra tòa án quốc tế. Giá khoáng sản giảm và hạ tầng cơ sở thiếu hụt của ngành chế biến và tiêu thụ khoáng sản là vấn đề phát sinh từ đạo luật này. Mục tiêu của Indonesia trong năm 2013 là thu nhập từ thuế trong lĩnh vực khai khoáng phải đạt 90,5 tỷ USD nhưng đến tháng 9/2013 chỉ có 56 tỷ USD được thu về. Cũng trong thời gian trên khu vực doanh nghiệp khai khoáng quốc doanh chỉ nộp 3,37 tỷ USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một tầng lớp người tiêu dùng đang giàu lên là động lực tiềm năng khác của Indonesia. Tầng lớp này được kỳ vọng sẽ tăng đến 150 triệu người trong 10 năm tới. Không chỉ kích thích ngành kinh tế Indonesia phát triển mà tầng lớp này được trông đợi sẽ là nhân tố bình ổn để không phụ thuộc vào giá năng lượng. Khả năng mau chóng phục hồi của nền kinh tế Indonesia với chính sách tiền tệ nới lỏng của họ đang giúp củng cố niềm tin của tầng lớp người tiêu dùng này.

Nếu vẫn tiếp tục phát triển, tầng lớp này sẽ trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Indonesia. Tuy nhiên, cho đến cuối thập kỷ này nhân tố đó sẽ không sớm đưa đến một nguồn thu đáng kể cho chính phủ. Việc chuyển những nguồn tài chính trên thành ngân sách nâng cấp hải quân sẽ phải cần từ 5 đến 10 năm nữa. Lộ trình này đồng nghĩa với việc chính phủ Indonesia không thể dựa vào nguồn thu này để giải quyết tài chính cho các nhu cầu quân sự ngay trong lúc này.

Khả năng liên minh  

Chưa đạt đến mức độ chi tiêu thoải mái cho việc nâng cấp hải quân để bảo vệ các vùng biển của mình, Indonesia hiện vẫn có những lực chọn khác để tăng cường năng lực tự vệ. Mối quan hệ khối ASEAN đã cho thấy không thể giúp ích gì cho vấn đề này. Thậm chí sau khi Trung Quốc áp đặt luật đánh bắt cá mới tại khu vực. ASEAN đã không có khả năng đưa ra một hành động nào ngoại trừ một bản tuyên bố đề cập đến việc sử dụng giải pháp ngoại giao cho vấn đề. Rất ít các quốc gia trong khu vực có đủ tiềm lực hải quân để hợp tác với Indonesia tạo thành một thế lực ngăn chặn hiệu quả xung đột, ngoại trừ Australia và Nhật Bản.

Những khó khăn trong mối quan hệ giữa Indonesia và Australia xuất phát từ việc những người nhập cư trái phép quá cảnh từ Indonesia sang Australia và những báo cáo gần đây về việc Australia do thám các cuộc đàm phán thương mại giữa Indonesia và Mỹ. Tuy nhiên những vấn đề trên không có khả năng làm tổn hại quan hệ giữa hai nước về mặt chiến lược. Mặc dù vậy sự hợp tác giữa Indonesia và Australia cũng chưa thể trở nên sâu sắc khi nào Trung Quốc vẫn chưa bộc lộ là một nước quân phiệt qua các yêu sách của mình. Nếu Trung Quốc quyết định áp đặt vùng nhận diện phòng không tại biển Đông, mối quan hệ giữa Indonesia và Australia có thể thay đổi. Australia tuy không có tranh chấp chủ quyền trong vùng biển này nhưng nếu Trung Quốc quân sự hóa tuyến đường hàng hải giá trị nhất thế giới với 50% tổng lượng vận chuyển đường biển toàn cầu, khi đó Australia sẽ cảm thấy có mối đe dọa, đặc biệt là khi nước này phải cho lưu thông trữ lượng khí đốt dồi dào của họ cũng như phải gia tăng hoạt động xuất khẩu.

Không may cho Indonesia, tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ này đồng nghĩa với việc liên minh với Australia có vẻ sẽ cần được kích hoạt bởi một vụ việc đủ nghiêm trọng để hai bên có thể thấy lợi ích của họ đang bị xâm hại như nhau. Một sự việc như vậy sẽ chỉ ra rằng bất cứ một liên minh nào cũng sẽ trở nên quá nhỏ bé và quá chậm trễ trong khi Trung Quốc đã lên kế hoạch trước và đã nắm chắc lợi thế chiến lược.

Về phần mình, Nhật Bản có những lý do cấp bách và chiến lược hơn trong việc hỗ trợ Indonesia làm đối trọng với Trung Quốc. Việc Trung Quốc áp đặt vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông và những tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã buộc Nhật Bản trở nên cực kỳ cảnh giác với sự quyết đoán của Trung Quốc. Nhật Bản cũng rất lo ngại về những tuyến đường giao thương năng lượng của họ trên biển Đông sẽ bị đe dọa.

Tuy nhiên, hiến pháp hòa bình của Nhật Bản không cho phép lực lượng phòng vệ Nhật làm điều gì khác ngoài việc bảo vệ lãnh thổ của họ. Thủ tướng Shinzo Abe và đảng cầm quyền LDP đang muốn thay đổi hiến pháp cho phép quân đội Nhật bảo vệ liên minh của mình. Sự thay đổi trong điều 9 hiến pháp Nhật Bản sẽ cho phép một liên minh quân sự bình thường với một quốc gia Đông Nam Á trở nên cực kỳ hấp dẫn. Tuy thế, hiện nay khả năng chính phủ Nhật có thể thay đổi hiến pháp không phải là một điều gì đó mà Indonesia có thể dựa vào để chuyển đổi chiến lược quân sự của mình theo, đặc biệt là sự thay đổi trong quan điểm quân sự của Nhật có thể gây tranh cãi trong nước và trong khu vực.

Tình hình trên đưa đến việc trong tương lai gần Indonesia chỉ còn một lựa chọn là liên minh với Mỹ vì việc này có thể gây tác động sâu sắc đến lối hành xử của Trung Quốc trên biển Đông. Người Mỹ đã cam kết với Philippines sẽ đưa thêm nhiều tàu chiến vào khu vực. Tuy vậy chính sách đối ngoại của Mỹ là dựa trên lợi ích của họ trên toàn cầu. Một sự dịch chuyển quân sự vào biển Đông sẽ phải cần thêm nhiều sự gây hấn từ phía Trung Quốc so với những gì chúng ta đã chứng kiến cho đến nay. Thậm chí một vùng nhận diện phòng không mới cũng sẽ không dễ làm thay đổi quan điểm của Mỹ trừ khi có một “vụ việc” đáng chú ý buộc Mỹ phải can dự vào. Việc Mỹ luôn nhấn mạnh chính sách xoay trục về châu Á không có nghĩa là việc này sẽ phải diễn ra ngay lập tức. Về ngắn hạn người Mỹ có thể cho phép những vụ việc như vậy diễn ra và sẽ phản ứng phù hợp nhằm duy trì thế cân bằng trong khu vực.

Điều này cho thấy Indonesia không thể hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ để xây dựng lực lượng vững mạnh hoặc thậm chí để tạo ra liên minh trong khu vực trước khi chủ quyền lãnh thổ của họ có thể bị xâm phạm. Indonesia cần một đối tác trong khu vực với điều kiện đối tác này cũng có động lực và tiềm lực cũng như có khả năng bị Trung Quốc bắt nạt. Indonesia có thể rất khó để thuyết phục một nước khác trong khu vực rằng sự hung hăng của Trung Quốc cần phải được ngăn cản ngay lập tức. Tuy nhiên, đó là lựa chọn duy nhất cho Indonesia trong thời gian ngắn hạn và trung hạn sắp tới. 


(Clint Richards là một chuyên gia nghiên cứu quản lý rủi ro và địa chính trị tại Tokyo.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét