Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Hãy để các tòa án khách quan làm hạ nhiệt tranh chấp lãnh hải ở Châu Á (The Diplomat 29/5/2014)



Pháp lý hay chiến tranh? Hãy để các tòa án khách quan làm hạ nhiệt các tranh chấp lãnh hải ở Châu Á


Hải Minh dịch; PA hiệu chỉnh đôi chút


Jerome A. Cohen thảo luận về cách các tòa án quốc tế có thể giúp Đông Á giải quyết cuộc khủng hoảng Luật biển ra sao.

LTS: Đây là bản dự thảo của bài tham luận viết ngày 28/5/2014 của Jerome A. Cohen, sẽ được đọc tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông của Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào ngày 20/6/2014 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Tiêu đề của bài phát biểu là "Pháp lý hay chiến tranh? Hãy để các tòa án khách quan giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng luật biển ở Đông Á". Nội dung có thể sẽ được sửa đổi cho phù hợp với các sự kiện có thể xảy ra tiếp theo, nhưng chúng tôi xin được giới thiệu trước, với sự đồng ý của ban tổ chức hội nghị.
-----------
Thưa các quí vị đồng nghiệp: Không có một hội nghị nào vừa đúng lúc vừa thích hợp về địa điểm hơn cuộc hội thảo của chúng ta ở đây, hôm nay tại Đà Nẵng. Tôi cám ơn ban tổ chức cho tôi cơ hội để trình bày một vài ý tưởng của mình nhằm tạo điều kiện giải quyết một số tranh chấp liên quan đến chúng ta.

Chúng ta từ lâu đã biết rằng các tranh chấp liên quan đến Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là rất phức tạp, khó có thể có một giải pháp đơn giản để giải quyết. Chí ít chỉ có thể có một số phương pháp giải quyết tranh chấp cần thiết để đối phó ở các thời điểm khác nhau, tại những địa điểm khác nhau và về các vấn đề cụ thể khác nhau. Về nguyên tắc, tất nhiên, đàm phán, cho dù đa phương hoặc song phương, vẫn còn ưu việt. Tuy nhiên, như đã rõ cho tất cả chúng ta, đàm phán có giới hạn của nó và thường cần phải được bổ sung.

Xin vui lòng xem bài nói chuyện ngắn của tôi hôm nay là một lời kêu gọi các nước tranh chấp đánh giá cao hơn vai trò của xét xử pháp lý và trọng tài quốc tế trong quá trình giải quyết xung đột.

Tất nhiên, tôi đã quen thuộc với việc từ chối truyền thống của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia mạnh mẽ bao gồm Hoa Kỳ, không muốn mất quyền kiểm soát kết quả của các vụ tranh chấp lớn khi cho phép một bên thứ ba khách quan thực hiện quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, hoàn cảnh và quan điểm hoàn toàn có thể thay đổi, và tôi tin rằng đã đến lúc tất cả các bên liên quan chính ở Biển Đông phải nhận ra, như Philippines, rằng, trong một số tình huống mà họ đang đối mặt hiện nay, những lợi thế của việc viện đến phán quyết của bên thứ ba khách quan là lớn hơn nhiều so với những rủi ro.

Tôi tin rằng bế tắc Trung-Việt ngày càng nguy hiểm như hiện nay liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là một tình huống cần phán xử quốc tế. Trung Quốc cho rằng họ sẵn sàng đàm phán với Việt Nam về khủng hoảng tạo ra bởi việc đặt một giàn khoan dầu ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay luôn từ chối đàm phán về chủ quyền mà họ khẳng định về lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa, vấn đề trung tâm của vụ tranh chấp ngoài khơi.

Trung Quốc và Việt Nam đã đàm phán thành công tranh chấp biên giới trong Vịnh Bắc Bộ và biên giới đất liền của họ, nhưng Trung Quốc, kẻ chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, cho rằng họ không sẵn sàng thảo luận chủ quyền đối với các vấn đề lãnh hải. Trung Quốc từ chối công nhận sự tồn tại của việc "tranh chấp" trên quần đảo Hoàng Sa kể từ khi họ tuyên bố đó là "chủ quyền không thể tranh cãi" của họ. Tư thế này, cũng tương tự như của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) mà họ đang chiếm giữ, cũng sẽ loại trừ khả năng can thiệp, hoặc hòa giải, thậm chí bởi ASEAN, với giả định rằng ASEAN sẵn sàng thực hiện các nỗ lực của mình.

Nhiều nhà quan sát cho rằng các bên có thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ này bằng cách gạt bỏ qua một bên, và cùng khai thác các nguồn tài nguyên có giá trị nằm ngoài khơi dưới đáy biển. Tuy nhiên, ý tưởng này đề xuất thì dễ dàng hơn là thực hiện, bởi do chính sự bất đồng sâu sắc và mất lòng tin tạo ra nơi các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau.

Thật vậy, những thất bại hiển nhiên của các thỏa thuận Trung-Việt năm 2011 và 2013 kêu gọi hợp tác cùng phát triển chứng minh một cách sinh động sự thật này. Mặc dù thỏa thuận ngắn của năm 2011 nhấn mạnh không dưới chục lần rằng hợp tác chỉ giới hạn ở các vấn đề "liên quan đến biển", shợp tác đó đã không thành hiện thực bởi vì điều quan trọng nhất "liên quan đến biển" lại là vấn đề không thể tránh khỏi: chủ quyền đối với lãnh thổ!

Sử dụng vũ lực, thậm chí ở bối cảnh hiện nay, có vẻ hấp dẫn cho cả đôi bên, đặc biệt là Trung Quốc, khi mà họ đã sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và đánh Việt Nam khỏi đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988. Trung Quốc ngày nay rất mạnh về quân sự và ngày càng kiên quyết về tuyên bố Biển Đông của họ, gây hấn không chỉ với Việt Nam mà còn với các quốc gia khác trong khu vực.

Đây là lý do tại sao vào tháng 1 năm 2013, Philippines, trong hoàn cảnh tương tự Việt Nam hiện nay, đã quyết định bắt đầu một vụ khởi kiện đã trở nên nổi tiếng, chống lại Trung Quốc dựa trên hệ thống giải quyết tranh chấp hàng hải UNCLOS mà Trung Quốc và Philippines, cũng như Việt Nam, đã cam kết thực hiện. Trong nỗ lực tìm cách tự bảo vệ mình chống lại các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, Philippines dựa vào luật pháp quốc tế, không chỉ đơn thuần là một biện pháp thuyết phục thể hiện và củng cố vị thế ngoại giao của mình, nhưng là một phương tiện để có được một quyết định công bằng về các tranh chấp hàng hải giữa hai nước.


Luật pháp quốc tế luôn luôn là một vũ khí phòng thủ có giá trị đối với kẻ yếu hơn là kẻ mạnh, như triều đình Trung Quốc đã cảm nhận khi lần đầu tiên áp dụng luật pháp quốc tế phương Tây trong những năm 1860. Những nước láng giềng đủ khôn ngoan kêu gọi quốc tế xét xử hoặc làm trọng tài trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hoặc lãnh hải vốn không thể giải quyết chỉ bằng cách thông qua đối thoại và ngoại giao đôi khi được hưởng lợi rất nhiều khi đưa ra luật pháp quốc tế. Ngoài việc đạt được một quyết định có thẩm quyền và khách quan về các vấn đề pháp lý phức tạp, họ tránh được các vụ bạo lực, chiến tranh và các hậu quả tiềm ẩn khác khi chủ nghĩa dân tộc bùng phát, trong khi thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác khác vẫn có thể tiếp tục.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị thường lo sợ một tòa án khách quan không đảm bảo được rằng luật pháp quốc tế sẽ hoàn toàn ủng hộ lập trường quốc gia của họ. Đối với họ việc phải chịu những rủi ro chính trị có thể có trong nước và quốc tế để đạt một quyết định công bằng dường như không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, quyết định của bên thứ ba không nhất thiết phải dẫn đến một kết quả "được ăn cả ngã về không". Các vấn đề không giải quyết được bằng đàm phán giữa các bên mà phải nhờ phán quyết khách quan thường không mang lại kết quả 100 phần trăm chiến thắng cho bên này hoặc bên kia, nhưng tạo ra hiệu lực để thỏa hiệp, cân bằng trong sự phức tạp của những tuyên bố liên quan. Điều này thể hiện qua các phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế cũng như tuyên bố kết quả của các tòa án trọng tài quốc tế.

Vào tháng 10 năm 2012, trong tSouth China Morning Post của Hồng Kông và China Times của Đài Loan, tôi có xuất bản một bài luận lấy cảm hứng từ sự hiềm khích giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang gia tăng ở Biển Đông Á (trong tiếng Anh là East China Sea, nhưng chúng tôi dịch là Biển Đông Á để tránh không sử dụng ngôn ngữ mà TQ đã nhập nhằng lợi dụng để khẳng định đó là vùng biển của mình). Với tiêu đề "Một bước đi khôn ngoan hơn", bài viết kêu gọi các quốc gia Đông Á kết thúc các hành động khiêu khích kiểu ăn miếng trả miếng nguy hiểm của họ trên quần đảo tranh chấp, trước khi chiến sự nổ ra và nên để cho một tòa án công bằng phán quyết các yêu cầu của mình. Bằng ngôn từ thể hiện tình hình tương tự ở Biển Đông hiện tại, tôi đã mô tả hoàn cảnh của Biển Đông Trung Quốc lúc đó như sau:

"Các lời thề đầy tình cảm quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các thông cáo một chiều, các cuộc biểu tình rầm rộ có tổ chức, các biện pháp trừng phạt kinh tế tự hủy hoại, và các cuộc giao tranh bảo vệ bờ biển đầy kịch tính đang đe dọa làm nhấn chìm tất cả những gì đã được thực hiện trong khu vực."

Tôi đã thúc giục Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Đông Á khác, khi họ không muốn gửi tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đến ICJ (Tòa án Công lý Quốc tế), để thiết lập một tòa án khu vực khách quan, đóng vai trò như một diễn đàn trung lập để phán quyết về tranh chấp lãnh thổ trên hòn đảo. Tôi nhấn mạnh rằng, thay vì đánh tiếng trống của chủ nghĩa dân tộc thiếu thận trọng, đã đến lúc các quốc gia Đông Nam Á đối phó với vấn đề các hòn đảo một cách trưởng thành hơn cũng như họ thường giải quyết như thế với các tranh chấp quốc tế khác. Điều này hướng công sức quốc gia vào một dòng chảy có nhiều lợi ích hơn.

Tôi đã thất vọng vì nhận nhiều phản ứng không chính thức về đề nghị của mình, từ một số cựu nhân viên ngoại giao Mỹ có kinh nghiệm dài lâu ở Đông Á. Họ lập luận rằng việc dùng đến các thể chế pháp lý quốc tế chỉ làm cho vấn đề vốn đã khó khăn lại trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, trước sự kinh ngạc của tôi, chưa đầy một tháng sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản lúc đó là Ngài Koichiro Gemba đã xuất bản một bài phản biện đăng trên tờ International Herald Tribune thách thức Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) bằng cách kiện Nhật Bản trước ICJ.

Ông Gemba đã tự hào cho rằng Nhật Bản đã thể hiện niềm tin của mình vào luật pháp quốc tế nhiều hơn so với Trung Quốc hay Hoa Kỳ bằng cách chấp nhận quyền tài phán bắt buộc của Tòa án Quốc tế. Nhật Bản cam kết chấp nhận mọi xét ​​xử của Tòa án Quốc tế về bất kỳ khiếu nại nào chống lại họ bởi một quốc gia khác nếu quốc gia đó cũng đã chấp nhận quyền tài phán bắt buộc của Tòa án Quốc tế. Nếu Trung Quốc rất tự tin về vị thế pháp lý của họ về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), tại sao họ không dám khởi kiện Nhật Bản trước Tòa án Quốc tế, ông Gemba nói. 

Tôi đã vui mừng với tuyên bố của Gemba, điều mà dường như đang hứa hẹn một bước tiến quan trọng hướng tới những gì mà đồng nghiệp ngoại giao của tôi cho là một đề nghị "không thực tế" và "vô ích". Nhật Bản tất nhiên trước đó đã tìm cách kiện Hàn Quốc trước ICJ về tranh chấp lâu dài của họ trên những đảo đá tên là Dokdo / Takeshima, nhưng phía Hàn Quốc đang chiếm phần lãnh thổ tranh chấp này đã tỏ ra không quan tâm và không bị ràng buộc pháp lý để phải chấp nhận xét ​​xử.

Điều thú vị về phản biện của Gemba là, Nhật Bản, mặc dù thực tế đang chiếm giữ phần đảo tranh chấp Senkaku / Điếu Ngư, đã đồng ý để được đưa ra Tòa án Quốc tế, không giống như Hàn Quốc. Và, bằng cách dựa vào ICJ, Nhật Bản cuối cùng sẽ xóa bỏ được cái quan niệm khó chấp nhận và mang tính hình thức, đó là quan niệm xem tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản không phải là "tranh chấp".

Phản biện của Gemba cung cấp cho tôi tia hy vọng đầu tiên, rằng các quốc gia ngoại vi của Trung Quốc có thể nhìn thấy giá trị của việc viện dẫn đến tòa án pháp lý quốc tế trong các tranh chấp ngoài khơi của họ với Trung Quốc. Chính phủ của Bộ trưởng Ngoại giao Gemba, tuy nhiên, đã sớm rời ghế nhường cho chính phủ Abe, người mà tôi hoài nghi, dù nổi danh là một người mang nặng dân tộc tính, là liệu chế độ của ông có chứng thực tuyên bố của Gemba - tuyên bố đã thu hút rất ít sự chú ý một cách đáng ngạc nhiên.

Sau đó, đã có một sự tiến triển tuyệt vời hơn. Vào tháng Giêng năm 2013, Philippines thông báo rằng họ đã bắt đầu một vụ kiện chống lại Trung Quốc dựa theo hệ thống giải quyết tranh chấp của UNCLOS về một số vấn đề Biển Đông.

Không giống như tuyên bố của Gemba chỉ thể hiện được một bước can đảm trong ngoại giao, dù thực hiện bởi một vị lãnh đạo rất lớn, hành động của Philippines là một thách thức pháp lý chính thức cho Trung Quốc. Nó chất vấn Trung quốc phải giải thích về các quyền của Bắc Kinh theo UNCLOS, bao gồm cả mối quan hệ của UNCLOS với vấn đề đã nổi tiếng rộng khắp nhưng mơ hồ của Trung Quốc - "đường chín đoạn". Đột nhiên, nhờ sự táo bạo liên Philippine, ý tưởng rằng các nước láng giềng của Trung Quốc có thể bảo vệ mình bằng cách kêu gọi can thiệp của luật pháp quốc tế trước một tòa án quốc tế không thiên vị đã bước vào thế giới thực!

Tôi đã thất vọng, tất nhiên, nhưng không ngạc nhiên, với việc Trung Quốc từ chối vụ kiện với trọng tài UNCLOS. Những bên liên quan trong các vụ kiện UNCLOS trước đó đã xuất hiện trước tòa án để cố gắng bác bỏ các trường hợp chống lại họ, gồm cả những tuyên bố rằng tòa án thiếu thẩm quyền. Trung Quốc, thật đáng buồn, vẫn kiên quyết để được tự là thẩm phán cho chính mình và từ chối trả lời những tuyên bố của Philippines.

May mắn thay, các quy định của UNCLOS đã dự đoán được khả năng này và cho phép việc tiếp tục và hoàn thành các phiên tòa ngay cả trong trường hợp thiếu vắng một bên liên quan. Nếu tòa án xác định rằng họ có thẩm quyền đối với các vấn đề được đệ trình, và Philippines chứng minh trường hợp của mình liên quan đến các vấn đề như vậy, Trung Quốc sẽ chỉ còn lựa chọn: hoặc phải tôn trọng giải pháp của tòa án hoặc phải chịu sự lên án của cộng đồng quốc tế vì từ chối phán quyết đó.

Về mức độ thẩm quyền của tòa án, cần làm rõ một số quy định quan trọng của UNCLOS. Ví dụ, những tuyên bố lịch sử, chẳng hạn những điều Trung Quốc đang công bố, có giá trị gì với UNCLOS? Và đâu là kiểm chứng hợp pháp theo Điều 121 của UNCLOS để phân biệt giữa khái niệm một "hòn đảo", được gắn với một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, và khái niệm "đảo đá", được xem chỉ đơn thuần là một vùng lãnh hải? Trả lời được câu hỏi như vậy không chỉ tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines mà còn giúp nhiều quốc gia khác, ở châu Á và các nơi khác, đang đối đầu với vấn đề tương tự.

Sáng kiến ​​của Philippines đã thúc đẩy niềm hy vọng của tôi, rằng các quốc gia khác đang gặp rắc rối bởi tuyên bố ngoài khơi của Trung Quốc và bởi cách thức mạnh mẽ mà họ đang khẳng định, sẽ có hành động pháp lý tương tự. Nhật Bản là một ứng cử viên rõ ràng như vậy. Thay vì chỉ dựa vào cơ sở quốc phòng ấn tượng, hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ và áp dụng trừng phạt kinh tế và các biện pháp khác để đẩy lùi các tuyên bố của Trung Quốc, chính phủ Abe vẫn giữ lựa chọn sẽ thực hiện ván ckhởi sự bởi Gemba, không chỉ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mà còn về các vấn đề UNCLOS Trung-Nhật trong cả biển Đông Trung Quốc và Biển Nam Trung Quốc (Biển Đông). Tuy nhiên, cho đến nay Nhật vẫn im lặng về vấn đề này. Chúng ta nên giải thích sự im lặng này ra sao?

Điều thú vị là, vào tháng Tư năm 2013, tôi đã nghe các chuyên gia Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng, trái với những gì một số quan sát viên Châu Á người Mỹ tin, báo cáo của Gemba không phải chỉ là sáng kiến ​​cá nhân của mình. Đó không chỉ đơn thuần là một cử chỉ trong quan hệ công chúng của một chính trị gia sắp rời khỏi văn phòng. Ngược lại, rõ ràng đó là một đề nghị chính thức được xem xét cẩn thận trước đó, theo yêu cầu của Gemba, được cung cấp cho ông bởi các chuyên gia pháp lý trong chính phủ của mình. Điều này làm cho tình trạng của đề nghị Gemba, mà tôi đã không thấy có phản ứng nào cả của Trung Quốc, trở thành một chủ đề có tầm quan trọng lớn hơn.

Rất gần đây, khi được hỏi về tình trạng của phản biện Gemba, một nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản nhấn mạnh, trong một cuộc đối thoại không nêu danh, rằng chính phủ Abe chưa bao giờ bác bỏ quan điểm của Gemba. Điều này, theo ông, có nghĩa là nó đã trở thành chính sách chính thức của chính phủ Nhật Bản. Tại một cuộc họp công cộng tiếp theo của Hội Cộng Đồng Nhật Bản tại New York, cựu Ngoại trưởng Yoriko Kawaguchi đã trả lời một câu hỏi tương tự bằng cùng một cách thức như vậy.

Ngoài việc đề nghị Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ của họ trước Tòa án Quốc tế, Nhật Bản có một lựa chọn khác về Biển Đông Trung Quốc liên quan đến Trung Quốc. Nhật Bản có thể quyết tâm tìm kiếm một quyết định của tòa UNCLOS với các câu hỏi quan trọng về luật biển liên quan đến tranh chấp Senkaku / Điếu Ngư, chẳng hạn như, liệu theo Điều 121.3 của UNCLOS, các khoản đang tranh cãi nên được coi là "đảo đá" với một giới hạn lãnh hải 12 hải lý, hay là "hòn đảo" với một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Một phán quyết cho rằng đó chỉ đơn thuần là "đảo đá" sẽ làm thu nhỏ rất nhiều giá trị kinh tế và thậm chí là ý nghĩa chính trị của cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với những người sở hữu chúng. Đây sẽ là một đóng góp to lớn cho quá trình giải quyết tranh chấp cuối cùng.

Ngoài những lựa chọn liên quan đến Biển Đông Á, Nhật Bản còn có một lựa chọn khác liên quan đến Biển Đông Nam Á [tiếng Anh là South China Sea, chúng tôi dịch là Biển Đông Nam Á hoặc Biển Đông với cùng lý do đã nêu ở trên]. Mặc dù thực tế Nhật Bản không có biên giới trên Biển Đông, họ có một mối quan tâm lớn cả trong việc giữ gìn tự do hàng hải trong vùng biển này, điều cực kỳ quan trọng cho thương mại và an ninh của Nhật Bản, và cả trong việc tối đa hóa khả năng tiếp cận với các nguồn lực kinh tế của khu vực. Xác định "đường chín đoạn" của Trung Quốc dù phạm vi chính xác của nó có tới đâu thì tối thiểu cũng mở rộng một khu vực đặc quyền kinh tế quá lớn cho Trung Quốc. Và Trung Quốc, thể hiện qua các cuộc đụng độ với tàu do thám và máy bay Mỹ, đã tuyên bố quyền hạn trên vùng đặc khu kinh tế rộng lớn của mình. Tôi đề nghị Nhật Bản nên xem xét bắt đầu một vụ kiện với UNCLOS, thách thức về "đường chín đoạn" như Philippines đã làm.

Hoa Kỳ, tất nhiên, cũng có lý do ngang bằng để phản đối "đường chín đoạn" bởi vì họ cũng có một mối quan tâm lớn cả về tự do hàng hải ở Biển Đông và khả năng tiếp cận với các nguồn lực kinh tế của mình. Rủi thay, vì Hoa Kỳ vẫn chưa tham gia UNCLOS, họ bị loại trừ khỏi khả năng hưởng lợi từ hệ thống giải quyết tranh chấp UNCLOS, mặc dù Tổng thống Obama gần đây đã nói với Tổng thống Aquino rằng Hoa Kỳ "ủng hộ quyết định theo đuổi vụ kiện ra trọng tài quốc tế liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông Nam Á". (tác giả nhấn mạnh nguyên văn). Để chắc chắn, Mỹ có thể bắt đầu kiện Trung Quốc trên cơ sở như vậy trước ICJ, nhưng Trung Quốc không bắt buộc phải chấp nhận quyền tài phán của ICJ trong mọi trường hợp, và chính nước Mỹ có rất ít kết quả hoàn hảo khi kiện tụng với Tòa án Quốc tế. UNCLOS, không giống như Tòa án Quốc tế, có thể cung cấp một khả năng thực tế hơn, dù chưa được chắc chắn, để có được một quyết định ràng buộc đối với một Trung Quốc vốn vẫn quyết tâm chống lại phán quyết của bên thứ ba hay trọng tài, như trường hợp vụ kiện của Philippines cho thấy.

Hy vọng của tôi là việc bùng nổ gần đây của việc đặt giàn khoan dầu của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa sẽ cung cấp cho Mỹ một động lực chính trị trong nước đủ mạnh để thúc đẩy Thượng viện "tham mưu và đồng ý" cho sự gia nhập của Mỹ vào UNCLOS. Điều đó, tuy nhiên, sẽ đòi hỏi một lãnh đạo mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì Tổng thống Obama đã thể hiện trong vấn đề này.

Còn Việt Nam thì sao? Vì nhiều lý do, Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn hơn so với Philippines, Nhật Bản và Mỹ trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của tòa án quốc tế liên quan đến tuyên bố chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, các tuyên bố chính thức gần đây cho thấy, nhận thấy được sự căng thẳng tiếp diễn và gia tăng đáng kinh ngạc của việc đặt giàn khoan dầu ngoài khơi, Chính phủ Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc áp dụng lựa chọn này. Một chủ trương như vậy có thể giúp xoa dịu người biểu tình trong nước, những người đang bị cấm tiếp tục thể hiện ý kiến ​​của họ cách quyết liệt hơn. Một báo cáo gần đây của Reuters, ví dụ, đã trích dẫn lời một người yêu nước Việt Nam nói rằng "chúng tôi đã ký một lá thư yêu cầu chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế".

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tạo được tiếng vang trên báo chí quốc tế về vấn đề này. Vào ngày 22, trong một văn bản trả lời hãng tin AP (Associated Press) nhân chuyến thăm Manila được đánh giá cao và quan tâm theo dõi bởi công chúng, thể hiện sự đoàn kết chính trị với Philippines trong việc đối phó với Trung Quốc, ông nói: "Giống như tất cả các nước, Việt Nam đang xem xét các lựa chọn phòng thủ khác nhau, bao gồm cả hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế.", ông Dũng đã không chỉ ra cụ thể hành động pháp lý nào đang được xem xét, nhưng tại cuộc họp báo của ông với Tổng thống Aquino cùng ngày, ông tuyên bố rằng "Ngài Tổng thống và tôi cùng chia sẻ mối quan tâm sâu sắc về tình hình cực kỳ nguy hiểm hiện nay do Trung Quốc gây ra với nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế." Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario công khai kêu gọi Việt Nam"đưa ra đánh giá về khả năng dùng đến biện pháp pháp lý để góp phần nâng cao lợi ích quốc gia của mình", và các báo cáo gần đây cho thấy Việt Nam có thể tìm cách tham gia cùng Philippines, hoặc tự khởi xướng một vụ kiện lên trọng tài UNCLOS của riêng mình.

Trên thực tế, tất nhiên, Việt Nam phải xem xét ít nhất hai hành động pháp lý quốc tế khác nhau. Cũng như Nhật Bản, họ có thể chọn một trong hai hoặc cả hai, tùy thuộc vào các vấn đề mà họ muốn theo đuổi.

Nếu, ví dụ, Việt Nam muốn sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết thách thức xâm chiếm chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, trừ khi các bên thoả thuận được một tổ chức khách quan phân x, Việt Nam nên đệ trình yêu cầu của mình lên Tòa án Quốc tế ICJ. Chủ quyền lãnh thổ, như chúng ta đã thấy, nói chung không được coi là một vấn đề đối với UNCLOS.

Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng ý với nỗ lực đưa ra tòa án quốc tế ICJ, vì, không giống như với trường hợp UNCLOS, Trung Quốc đã không cam kết chấp nhận quyền tài phán của ICJ về tranh chấp nào. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải thấy là rất xác đáng giá khi cố gắng kêu gọi sự trợ giúp của Tòa án Quốc tế, không chỉ để xoa dịu dư luận trong nước mà còn để chứng minh cho thế giới mong muốn chân thành của mình về một giải pháp hoà bình và công bằng.

Sự chân thành của Việt Nam sẽ trở nên thuyết phục hơn nếu họ thể hiện thiện chí rõ ràng, qua vụ kiện tụng liên quan, cũng như đệ trình cho Tòa án Quốc tế tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa, bao gồm cả các đảo và các tính năng chủ quyền khác mà họ hiện đang có. Trung Quốc, là kẻ chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, tất nhiên muốn tránh né bất kỳ tranh tụng chủ quyền đối với quần đảo này, cũng giống như Nhật Bản cho đến bây giờ vẫn từ chối sự tồn tại của một "tranh chấp" trên quần đảo Senkaku và Hàn Quốc đã từ chối tham gia phán quyết của Tòa án Quốc tế với đảo Dokdo.
Nói rộng hơn, như chúng ta đã thấy, Trung Quốc cho tới nay đều từ chối việc chịu xét xử về tất cả các tuyên bố chủ quyền vì đó là vấn đề nguyên tắc, dù đã hoặc chưa chiếm giữ được các vùng lãnh thổ tranh chấp. Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm cách thuyết phục các quốc gia khác rằng Tuyên bố Nguyên tắc Ứng xử năm 2002 của ASEAN (DOC) nên được hiểu là đã loại trừ cả hai khả năng xét xử quốc tế và tài phán ra khỏi các phương tiện mà qua đó các quốc gia bị ảnh hưởng có thể tham gia vào giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Ví dụ, Trung Quốc, dường như tin rằng DOC là một thỏa thuận ràng buộc chứ không phải là một tuyên bố không ràng buộc về ý định, lập luận rằng Philippines đã vi phạm DOC bằng cách nộp đơn cho trọng tài UNCLOS chống lại họ. Quan điểm của tôi là các quốc gia phải rất thận trọng trong việc áp đặt một cách giải thích triệt để như vậy đối với ngôn ngữ không mấy chặt chẽ của DOC. Điều đó sẽ thể hiện một sự vượt thoát đáng kể khỏi các quy định vốn được chấp nhận từ lâu của Hiến chương Liên Hợp Quốc liên quan đến giải quyết hòa bình các tranh chấp, và sẽ, như trong trường hợp thực tế này, tước mất khỏi tay các quốc gia một loại vũ khí phòng thủ quan trọng: đệ trình ra tòa án khách quan chuyên nghiệp.

Điều này đặt ra một thử thách thứ hai cho Việt Nam – liệu có nên kiện Trung Quốc  trước trọng tài UNCLOS như Philippines đã làm và Trung Quốc đã từ chối. Điều này sẽ cho phép Việt Nam thể hiện sự ủng hộ chính thức về pháp lý với Philippines về "đường chín đoạn" và nêu lên các vấn đề khác liên quan đến UNCLOS trong quan hệ với Trung Quốc và các bên tranh chấp khác. Mặc dù Trung Quốc chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối tương tự như họ đã làm với vụ kiện của Philippines, một vụ kiện như thế bởi ​​Việt Nam sẽ có thể tiến triển chí ít là tới giai đoạn đưa ra xét xử pháp lý, như trường hợp Philippines đã thực hiện bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Một vụ kiện ra UNCLOS như thế có lẽ sẽ không cung cấp ngay cho Việt Nam một giải pháp cho tranh chấp nguy hiểm hiện nay với Trung Quốc về việc đặt giàn khoan. Điều đó sẽ chỉ xảy ra trong trường hợp các trọng tài đã quyết định rằng tất cả quần đảo Hoàng Sa là "đảo đá" theo quy định tại Điều 121.3 của UNCLOS và do đó không được hưởng như một vùng đặc quyền kinh tế.

Tuy nhiên, bằng cách gắn kết về mặt pháp lý vụ kiện riêng của mình về "đường chín đoạn", Việt Nam có thể, về mặt thực tế, nâng cao triển vọng rằng tuyên bố bành trướng của Trung Quốc sẽ không còn giá trị và bị bác bỏ bởi hội đồng tòa án trong vụ kiện của Philippines hay bất kỳ tòa án nào thành lập cho các vụ kiện khác. Hơn nữa, tùy thuộc vào các vấn đề tranh chấp hàng hải khác họ chọn để trình bày trước tòa án UNCLOS, họ có thể có được cách giải thích khác có ích cho việc giải quyết bằng đàm phán những tuyên bố phức tạp Biển Đông.

Hy vọng rằng những nhận xét trên đây giải thích nhng cơ sở cho đề xuất của tôi rằng các quốc gia tranh chấp trong khu vực Nam Trung Hoa (Biển Đông) và Biển Đông Trung Hoa nên tận dụng đầy đủ nhất những cơ hội để có được sự trợ giúp của Tòa án Quốc tế và hệ thống UNCLOS trong giải quyết tranh chấp của họ với Trung Quốc. Nếu họ làm được như thế, họ sẽ khiến Trung Quốc cũng như các quốc gia khác phải thận trọng hơn trong việc đưa ra các tuyên bố và hành động, và xem xét nhiều hơn đến lợi ích của các quyết định bởi bên thứ ba khách quan. Những quyết định như vậy có thể xử lý một số vấn đề pháp lý gai góc hiện đang gây tắc đường dẫn đến đàm phán hòa bình cho các tranh chấp. Giả sử Hiệp ước luật biển UNCLOS có thể phủ nhận bất kỳ tuyên bố lịch sử nào liên quan đến "đường chín đoạn", thì sẽ không còn một trở ngại đáng kể nào cho mọi giải quyết, và việc giải thích và áp dụng Điều 121.3 của UNCLOS liên quan đến các đặc tính hàng hải cụ thể cũng sẽ rõ ràng và các đàm phán sẽ tập trung hơn. Hơn nữa, chính việc viện dẫn đến các thủ tục pháp lý chính thức cũng có thể kích thích sự tiến bộ đối với các cuộc đàm phán mà cho đến nay đang tỏ ra bế tắc .
Cuối cùng là nhận xét về sự từ chối của Trung Quốc không tham gia viện dẫn xét xử và trọng tài quốc tế mà chỉ kiên quyết với đàm phán song phương như là phương tiện hợp pháp duy nhất giải quyết nhiều tranh chấp ngoài khơi. Tất nhiên, Trung Quốc không thực sự chấp nhận đàm phán song phương hoặc bất cứ một sự giải quyết hòa bình về các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trên biển mà họ chiếm gi. Hơn nữa, bằng cách chối bỏ các phán quyết do các cơ quan khách quan về tất cả các tranh chấp và kiên trì với đàm phán song phương như là phương tiện duy nhất để giải quyết những tranh chấp mà họ đồng ý thừa nhận, Trung Quốc, là nước mạnh hơn bất kỳ láng giềng Đông Nam Á nào khác, đang tìm cách tối đa hóa lợi thế tương đối về quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự; và giảm thiểu tầm quan trọng của pháp luật quốc tế.

Như vậy, lập trường chống chế pháp lý của Trung Quốc đang thúc đẩy các nước láng giềng phải tăng cường hợp tác với nhau cùng phòng thủ, cũng như phải tìm kiếm sự hỗ trợ lớn hơn từ các quốc gia lớn bên ngoài khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tình trạng này sẽ trái với mục tiêu trong chính sách đối ngoại công khai của Trung Quốc và đang tạo ra những căng thẳng ngày càng nguy hiểm trong khu vực. Bắc Kinh nên xem xét lại thái độ thù địch của mình đối với các phán quyết của thể chế khách quan và học cách hưởng lợi từ những gì sẵn có của họ.

Cuối cùng, chắc chắn là giải pháp hòa bình sẽ phụ thuộc vào chính sách ngoại giao, nhưng công tác đối ngoại không nên bỏ qua lợi ích mà các thể chế pháp lý quốc tế có thể mang lại. Mặc dù không phải là một bài thuốc chữa bách bệnh, nếu sử dụng đúng cách, họ có thể đóng một vai trò rất hữu ích.
-------------
Jerome A. Cohen là giáo sư và đồng giám đốc của Viện Luật Mỹ- Á tại Khoa Luật, Đại học New York và thành viên cao cấp phụ trợ cho châu Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại .


Một bản dịch khác ở đây, các bạn có thể so sánh cách dịch: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=77&NewsId=317287

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét