Kiện Trung Quốc: Kịch bản nào cho Việt Nam?
Sử dụng công luận và công cụ pháp lý hiệu quả sẽ mở ra khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp, hoặc chí ít hạn chế các hành động gây hấn, các tuyên bố yêu sách vô lý không tuân thủ Công ước Luật Biển 1982.
Có hai loại lợi ích hay quyền lợi quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông. Thứ nhất, chủ quyền đất đai trên nhiều đảo và đá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ hai, lợi ích hay quyền đối với những vùng nước và đáy biển dưới mặt nước tại Biển Đông chiếu theo UNCLOS năm 1982, gồm có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong Vùng Đặc quyền kinh tế và trong vùng Thềm lục địa.
Khó khăn ở đâu?
Riêng với tranh chấp về chủ quyền trên lãnh thổ ngoài biển, như tranh chấp chủ quyền một hòn đảo, thì không nằm trong phạm vi giải quyết tranh chấp của Công ước luật biển 1982. Chính vì Công ước không quy định giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, nên các bên phải đưa ra Toà án Công lý quốc tế (ICJ). Vì vậy trong tranh chấp về chủ quyền các đảo, quần đảo tại Biển Đông, việc chấp nhận thẩm quyền của ICJ đòi hỏi thiện chí của các bên tranh chấp.
Trong trường hợp tranh chấp về chủ quyền đảo, quần đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, với khả năng lớn là Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền xét xử của ICJ, Việt Nam có thể xin ý kiến tư vấn của Tòa cho vấn đề này. Theo chương IV, điều 65, Quy chế ICJ, "Toà có thể cho ý kiến tư vấn về bất cứ vấn đề pháp lý nào của bất cứ ai có quyền xin, theo Hiến chương Liên hiệp quốc". Vì vậy, trong tranh chấp chủ quyền về đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam có thể xin ý kiến tư vấn của toà ICJ thay vì đưa ra tài phán. Việc xin ý kiến cũng tạo ra ảnh hưởng chính trị và pháp lý nhằm đưa tới giải pháp cho hai bên tranh chấp, mặc dù giá trị ý kiến tư vấn không mang tính ràng buộc pháp lý.
Tàu Trung Quốc tại khu vực giàn khoan đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Sang |
Điều này liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước (liệu các đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa rất nhỏ hiện nay có xứng đáng gọi là đảo hay là đá (theo quy định, đá không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi đảo thì có quy chế đầy đủ), hoặc giới hạn vùng đặc quyền kinh tế mà đảo có thể có so với dải đất liền lớn rộng của các nước khác bao bọc biển. Vì liên hệ đến giải thích và áp dụng Công ước, nên việc này cũng có thể đưa ra khởi kiện tại Toà án Luật Biển hoặc ICJ theo khuôn khổ Công ước luật biển, hoặc xin ý kiến tư vấn ICJ về vấn đề này.
Trong vụ kiện của Philippines, Philippines đã né tránh đề cập khởi kiện các vấn đề liên quan đến phán xét chủ quyền, các danh nghĩa lịch sử mà chỉ yêu cầu Tòa Trọng tài việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982, xem xét việc Trung Quốc xâm phạm việc xác lập và thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Philippines trên các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo Công ước, đồng thời yêu cầu việc xem xét Trung Quốc tuyên bố đường chín đoạn là trái với quy định của Công ước.
Đối với Việt Nam, nếu việc sử dụng quyền khởi kiện theo Thủ tục Trọng tài phụ lục VII như Philippines, Việt Nam tương tự sẽ chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982 liên quan đến việc xác lập và thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Thủ tục Tòa trọng tài đề cập trên sẽ không giải quyết được vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhận biết các vấn đề nói trên để tìm giải pháp vận dụng cho Việt Nam. Và sau đây là một số nội dung mà Việt Nam có thể xem xét để yêu cầu các cơ quan tài phán có thể cho ý kiến tư vấn hoặc phán quyết:
1) Đối với quy chế pháp lý các đảo,các bên tranh chấp có thể đề nghị đưa ra Ý kiến tư vấn của ICJ về quy chế pháp lý các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, theo đó các đảo này không đủ tiêu chí để có tạo nên vùng nước quần đảo, hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Đây là cơ sở để khẳng định vị trí mà giàn khoan Hải Dương 981 đang khai thác không nằm trong "vùng nước quần đảo" hay vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo. Việc xin ý kiến tư vấn này có thể do Việt Nam và cùng huy động các bên tranh chấp khác cùng kiến nghị lên Tòa ICJ.
Ngoài ra các bên có thể thưa kiện nội dung này lên Tòa án quốc tế về luật biển ITLOS. Một yêu cầu xuất phát từ Việt Nam, được sự ủng hộ của Philippines/Malaysia/hoặc Brunei/hoặc tất cả các nước có tranh chấp cho ITLOS, yêu cầu Tòa giải thích Điều 121.3 và khả năng áp dụng ở Biển Đông. Liệu lúc đó Trung Quốc sẽ đứng ngoài cuộc hay sẽ phải tham gia quá trình trên cơ sở Điều 31 Quy chế của ITLOS: Trong một vụ tranh chấp, khi một quốc gia thành viên cho rằng một quyền lợi có tính chất pháp lý của mình bị đụng chạm, thì có thể gửi lên cho Toà án một đơn thỉnh cầu để yêu cầu xin tham gia. Nếu Toà án chấp nhận đơn thỉnh cầu, thì quyết định liên quan đến vụ tranh chấp có tính chất bắt buộc đối với quốc gia xin tham gia trong phạm vi mà quyết định này có quan hệ đến các điểm là nội dung của việc tham gia.
2) Đối với vụ giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam có thể thưa kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài (Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982) để ra phán quyết về vụ giàn khoan Hải Dương 981 liên quan đến các vấn đề sau:
- Tuyên bố việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng tàu hộ tống vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 và Điều 77 Công ước Luật biển.
- Tuyên bố việc Trung Quốc dùng các tàu ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện quyền kiểm tra, khám xét giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành vi vi phạm quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 Công ước Luật biển.
- Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng an toàn 3 hải lý và cấm các loại tàu bè đi vào vùng biển có bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương 981, và va đâm các tàu chấp pháp Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công... là vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực của Việt Nam, các nước trên thế giới. Những hành động này trái với Điều 60 Công ước Luật biển - theo đó vùng an toàn tối đa cho một thiết bị và công trình trên biển chỉ là 500 m, và điều 58 - quyền dành cho tất cả các quốc gia, tất cả các tàu thuyền, phương tiện bay.
- Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng nước quần đảo hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với Điều 47, 48, 49 và 121 Công ước Luật biển.
Việc đấu tranh bằng con đường ngoại giao pháp lý là nỗ lực bền bỉ mà các nước nhỏ như Việt Nam cần theo đuổi trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hay tranh chấp trên các vùng biển. Đứng trước pháp luật, công lý, các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng đều có vị thế bình đẳng.
Cũng có khả năng, cuộc đấu tranh ngày càng công khai, sử dụng công luận và công cụ pháp lý hiệu quả sẽ mở ra khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp, hoặc chí ít hạn chế các hành động gây hấn, các tuyên bố yêu sách vô lý không tuân thủ Công ước Luật Biển 1982. Vì vậy, Việt Nam cần vận dụng linh hoạt tất cả các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, đặc biệt tận dụng thế mạnh pháp lý, và công luận để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng tại Biển Đông.
Bạch Thị Nhã Nam
(Giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh Tế - Luật, ĐHQGTPHCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét