Dẫn: Đây là bài số 9 trong loạt bài tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa trên tờ Vietnamnet. Một loạt bài rất đáng đọc, nhưng hôm nay tôi mới biết đến qua giới thiệu của người quen. Đặc biệt, bài số 9 này rất quan trọng vì nó gần như là lần đầu tiên bạch hoá việc VN mất Gạc Ma như thế nào, đồng thời đưa thêm nhiều thông tin mới về cuộc đấu tranh nhằm khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo HS và TS mà giờ đây TQ đã nguỵ biện cho là của nó một cách "không thể tranh cãi". Xin các bạn đọc để có thêm thông tin chính xác về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo này.
-------
Rắp tâm của Trung Quốc
Ngày
30/4/1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, đất nước Việt Nam
liền một mối, bước vào giai đoạn tái thiết, tổ chức thống nhất hai miền
Nam - Bắc.
Dù bộn bề với bao việc phải
làm sau chiến tranh, vấn đề bảo vệ chủ quyền với Hoàng Sa vẫn được đặt
lên hàng đầu và được quan tâm đặc biệt.
Ngày
9/9/1975, tại Hội nghị Khí tượng Á châu ở Colombo, đại diện Chính phủ
Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam yêu cầu giữ nguyên đăng ký
vào hệ thống SYNOP của OMM đài khí tượng của Việt Nam đặt tại quần đảo
Hoàng Sa dưới danh số 48860.
Những chiến sĩ hải quân đã tham gia bảo vệ đảo Trường Sa năm 1988 |
Ngày
24/9/1975, tại cuộc gặp gỡ phái đoàn của Đảng và Nhà nước Việt Nam do
Tổng bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, ông Đặng Tiểu Bình lúc này là phó chủ tịch
Đảng Cộng sản kiêm phó thủ tướng Trung Quốc thừa nhận giữa hai nước còn
tồn tại vấn đề Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Đặng Tiểu
Bình hứa hẹn: “ Vấn đề sẽ được đưa ra giải quyết trong tương lai”.
Ngày
10/11/1975, Bộ ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi đến Bộ Ngoại
giao Trung Quốc công hàm nhắc lại tuyên bố ngày 24/9 của Đặng Tiểu Bình
và đề nghị ngưng tuyên truyền liên quan đến tranh chấp về các quần đảo
nhằm tạo không khí thuận lợi cho việc thương thảo.
Tuy nhiên trong công hàm trả lời ngày 24/12/1975, Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ đề nghị này.
Ngày
3/12/1975, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bắc Kinh khẳng định với
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc chủ quyền của Việt Nam trên hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày
5/6/1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên
bố Việt Nam sẽ giành quyền bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 2/7/1976, sau cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức ra đời.
Ngày
12/5/1977, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Tuyên
ngôn về vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến
chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày
7/10/1977, Việt Nam và Trung Quốc có cuộc họp đàm phán về biên giới.
Trưởng đoàn Việt Nam Phan Hiền đề nghị đăng ký thảo luận về quần đảo
Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1974, trưởng đoàn đàm phán
Trung Quốc Hàn Niệm Long từ chối.
Pháo 37 ly của TQ bắn thẳng vào bộ đội công binh VN trên biển |
Tháng
9 và tháng 10 năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lần lượt đi thăm hai
nước Philipines và Malaysia, ký thỏa thuận với Tổng thống và Thủ tướng
hai nước để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa
bình.
Giai đoạn này quan hệ giữa hai nước ngày
càng căng thẳng. Trung Quốc từ chỗ thừa nhận Hoàng Sa là “vấn đề tranh
chấp” sang hẳn luận điểm “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không cần tranh
cãi”.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa
600.000 quân tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Sau hai
tuần bị thiệt hại nặng nề, Trung Quốc rút quân.
Ngày
15/3/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng về biên giới Việt –
Trung, trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày
3/7/1979, cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc thiết lập 4 vùng nguy
hiểm trong không phận Tây Sa (tức Hoàng Sa) với ý đồ buộc quốc tế phải
thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa.
Ngày 7/8/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ hoàn toàn ý đồ xuyên tạc của Trung Quốc.
Ngày
8/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố tài liệu xác minh chủ quyền
của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 25/3/1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo An Bang cũng như quần đảo Trường Sa.
Ngày 4/2/1982, chính phủ Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngày
9/12/1982, chính phủ Việt Nam lập huyện Trường Sa. Đến ngày 28 tháng 12
năm 1982, chính phủ Việt Nam quyết định huyện Trường Sa được nhập vào
tỉnh Phú Khánh.
Năm 1984, Bộ Ngoại giao
Việt Nam phản đối Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng hành chính tỉnh Hải
Nam bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Từ
ngày 16/5 đến 6/6/1987, hải quân Trung Quốc thao diễn trong vùng tây
Thái Bình Dương và Nam biển Đông, gần quần đảo Trường Sa.
Ngày 10/11/1987, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Louisa trên quần đảo Trường Sa…
Trung Quốc chọn thời điểm
Nhiều
tài liệu, bài báo gọi sự kiện Trung Quốc dùng tàu chiến, pháo hạm quân
sự tấn công ngày 14/3/1988 là “cuộc hải chiến Trường Sa”. Tuy nhiên,
chuẩn đề đốc Lê Kế Lâm và một số học giả quốc tế nghiên cứu về biển Đông
cho rằng, gọi là “hải chiến” hoàn toàn không chính xác. Bởi khi đó, lực
lượng của Việt Nam trên các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma là công binh,
không có vũ khí. Và các tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ trong khu vực là
tàu vận tải, không có vũ khí.
Tàu vận tải của VN bị pháo TQ bắn dữ dội và chìm sau đó |
Trung Quốc đã sử dụng vũ khí từ súng và pháo trên các tàu chiến bắn vào bộ đội công binh và tàu vận tải của Việt Nam.
Theo tài liệu giải mật của cơ quan tình
báo trung ương Hoa Kỳ (CIA), Trung Quốc đã chọn thời điểm dư luận thế
giới đang tập trung vào giải pháp chính trị ở Campuchia. Liên Xô, đồng
minh quan trọng của Việt Nam đang sa lầy ở Apganistan, đang nối lại quan
hệ với Trung Quốc nên không muốn dính líu rắc rối gì với Trung Quốc.
Trước
khi ra tay hành động, một đoàn ngoại giao Trung Quốc đã đến các nước có
liên quan đến biển Đông khẳng định “lập trường hòa bình” và tuyên bố
Trung Quốc chỉ “tranh chấp” đảo với Việt Nam, Trung Quốc không hề có
“tranh chấp” nào khác với các nước khác!
Đầu
năm 1988, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tới một số đảo trên quần đảo
Trường Sa. Cụ thể, ngày 31/1/1988 chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18/2/1988
chiếm bãi Châu Viên; ngày 26/2/1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28/2 chiếm
bãi Tư Nghĩa.
Trước tình hình Trung
Quốc chiếm đóng hàng loạt đảo trên Trường Sa, Việt Nam đã khẳng định chủ
quyền trên các đảo còn lại trên các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Trung
Quốc, sau khi chiếm hàng loạt đảo, đầu tháng 3/1988 đã huy động lực
lượng của hai hạm đội tiếp tục mở rộng lấn chiếm, tăng số tàu chiến từ 9
lên 12 tàu gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ
pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu kéo và 1 pông tông lớn.
Sáng ngày 14/3/1988, 4 tàu chiến
Trung Quốc tiến đến bãi Gạc Ma. 6 giờ sáng Trung Quốc đổ bộ 40 quân lên
đảo, xông lên giật cờ Việt Nam cắm trên đảo. Các chiến sĩ hải quân Việt
Nam đang bảo vệ cờ Tổ quốc đã bị đâm bằng lưỡi lê và bắn chết gồm hạ sĩ
Nguyễn Văn Lanh, thiếu úy Trần Văn Phương…
Lực
lượng công binh, hải quân dù tay không vẫn cương quyết bảo vệ cờ. Trung
Quốc đã huy động hai chiến hạm bắn thẳng vào lực lượng bảo vệ đảo và
tàu vận tải 604 đang neo đậu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và một số chiến
sĩ đã anh dũng hy sinh. Tàu 604 bị chìm.
Tại
đảo Cô Lin (cách Gạc Ma 3,5 hải lý) và Len Đao, Trung Quốc tấn công
quyết liệt ngay từ 6 giờ sáng ngày 14/3, bắn cháy tàu HQ 505 và sát hại
nhiều chiến sĩ đang giữ đảo. Ở hướng Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3,
tàu chiến Trung Quốc bắn cháy tàu HQ 605 của Việt Nam.
Cuộc
thảm sát kéo dài 28 phút đã gây thiệt hại nặng cho Việt Nam, 3 tàu bị
bắn cháy và chìm, 3 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương và 74 chiến
sĩ mất tích. Sau này Trung Quốc trả lại 9 chiến sĩ bị bắt. Số còn lại
được xem là đã hy sinh.
Việt Nam đã phản
đối gay gắt. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng không ngừng lấn
chiếm thêm một số đảo nữa sau đó và huy động nhiều tàu đánh cá từ Quảng
Châu đến hoạt động khai thác tại ngư trường Trường Sa.
Ngày
28/ 4/1990, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi công hàm cho đại sứ quán Trung
Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc đã cho quân lính xâm chiếm bãi
Én Đất trên quần đảo Trường Sa.
Tháng 8/1990, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đề nghị tiến hành khai thác chung khu vực quần đảo Trường Sa.
Ngày
1/12/1990 trong cuộc đi thăm Philippines, Thủ tướng Lý Bằng nói: “Chúng
ta có thể tìm ra một giải pháp thích hợp đối với vấn đề Trường Sa với
các bên hữu quan vào lúc thích hợp, nếu không phải là vào lúc này. Tôi
nghĩ chúng ta có thể gác lại vấn đề này và không để nó gây trở ngại
trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng hữu quan”.
Như
vậy, Hoàng Sa và Trường Sa của VN bị mất trong hai giai đoạn mà về danh
nghĩa chính quyền quản lý đang là đồng minh của một trong hai siêu
cường lớn nhất của thế kỷ 20. Các siêu cường đồng minh đều “bắt tay” với
TQ để cho TQ ra tay thô bạo, thậm chí vô cùng tàn bạo như trên bãi Gạc
Ma.
Tháng 3/2013, mạng Sina.com mở chuyên
đề “Chiến đấu bảo vệ chủ quyền” ca ngợi quân đội Trung Quốc đã biết
“nắm bắt thời cơ” để “đập tan sự ngỗ ngược của Việt Nam”. Dẫn lời tướng
Nhạc Cương, Sina.com mạnh miệng tuyên bố: “Các cuộc đụng độ giữa Trung
Quốc và Việt Nam cho thấy xu hướng không can thiệp của các nước lớn khi
quyền lợi của họ không bị đụng chạm. Trung Quốc cần phải tận dụng và
phát huy!”.
(Còn nữa)
Duy Chiến
*Bài có sử dụng tư liệu nghiên cứu của tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, người sáng lập và cố vấn Quỹ Văn hóa Giáo dục tại TP.HCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét