Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Góc nhìn khác về vấn đề xung đột trên Biển Đông (Bài của Đại sứ Việt Nam tại Indonesia trên Jakarta Post 28/5/2014)



Dẫn: Bài viết này đã được đăng trên Jakarta Post ngày 28/5/2014 và đăng lại trên trang Biển Đông này. Tuy nhiên vì bài gốc viết bằng tiếng Anh nên chúng tôi cho dịch lại để giới thiệu đến các bạn không đọc được bằng tiếng Anh. Ai đọc được tiếng Anh có thể xem tại đây: http://vietnammaritime.blogspot.com/2014/05/another-side-of-dispute-in-scs-bai-cua.html.
----------
Góc nhìn khác về vấn đề xung đột trên Biển Đông 
ĐLK dịch

Trong một bài viết nhan đề “Những hành vi nguy hiểm của Việt Nam”, ông Lưu Hồng Dương, Đại diện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia, có đề cập rằng quần đảo Tây Sa (hoặc Paracel) “là một lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.” 

Ông Lưu Hồng Dương đã nói “Cộng đồng quốc tế đã công nhận điều này kể từ Chiến tranh Thế giới lần II, trong khi đó ngày 14 tháng 9 năm 1958, cố Thủ tướng Việt Nam đã công khai thừa nhận quần đảo này cùng các đảo khác là lãnh thổ của Trung Quốc.” 

Tôi cảm thấy buộc phải đưa ra những luận điểm sau để làm sáng tỏ vấn đề. 

Trước hết, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để xác quyết chủ quyền của mình đối với quần đảo Paracel (Hoàng Sa trong tiếng Việt) và quần đảo Spratly (Hoàng Sa trong tiếng Việt). 

Những tài liệu lịch sử chính thức đã chứng minh Việt Nam có chủ quyền hòa bình và liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Hoàng Sa ít nhất kể từ thế kỷ 17, thời điểm mà các vùng lãnh thổ này được nhìn nhận là lãnh thổ vô chủ (terra nullius). 

Một ví dụ rõ ràng nhất chứng tỏ các hoàng đế Việt Nam đã lưu tâm đến việc củng cố chủ quyền tại các lãnh thổ này đó là vào năm 1835 vua Minh Mạng đã cho xây một ngôi chùa và dựng bia đá chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. 

Về phía mình, Trung Quốc đã không biểu lộ bất cứ ý định nào đối với việc tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, nhiều bản đồ đã mô tả rõ lãnh thổ của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh được vẽ đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc. Một trong những tấm bản đồ này gần đây đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel trao tặng ông Tập Cận Bình như một món quà nhân chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc đến Đức vào tháng 3 năm 2014. 

Khi thiết lập chế độ bảo hộ tại Việt Nam vào năm 1884, Pháp đã giành quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên danh nghĩa của Việt Nam. 

Ngoài ra, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được công nhận bởi Hội nghị hòa bình San Francisco tháng 9 năm 1951 với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia. Mục đích của hội nghị là xác định những vấn đề về lãnh thổ sau Chiến tranh Thế giới lần II. 

Tại hội nghị này, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu của chính quyền vua Bảo Đại thời bấy giờ đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khi không có sự phản đối nào của 50 đại biểu khác. 

Điều thú vị đáng chú ý là cũng trong hội nghị San Francisco, 46 trong số 51 đại biểu. tham dự đã bác bỏ một bản bổ sung cho Hiệp ước Hòa bình San Francisco có phần đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Bên cạnh đó, tại Hội nghị Geneva 1954 về việc khôi phục hòa bình cho bán đảo Đông Dương, Trung Quốc cũng như các bên tham gia khác đã thừa nhận và tôn trọng nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Là một bên tham gia hội nghị, nước Pháp đã đồng thuận với Hiệp ước San Francisco và rút hết lực lượng của họ khỏi Việt Nam vào năm 1956. Việt Nam Cộng Hòa đã tiếp quản việc quản lý đối với hai quần đảo trên, sau đó đã có nhiều hoạt động và vài lần tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa. 

Một sự thật không thể chối cãi là vào năm 1974 Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Hành động bạo lực này đã vi phạm quy chuẩn tối thiểu của luật quốc tế về cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế theo Điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. 

Vì đã hành động bất chấp luật pháp quốc tế nên vệc chiếm giữ hiện tại của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa không mang lại cho họ tính chính danh cho dù người Trung Quốc có ở đó bao lâu và có áp dụng bất cứ cách thức nào để củng cố việc quản lý của họ tại đó. 

Chính Trung Quốc cũng đã chấp nhận những nguyên tắc này trong một bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12 tháng 5-1988 rằng bạo lực không bao giờ tạo lập nên chủ quyền. Từ góc độ luật pháp và lịch sử, đòi hỏi của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là vô căn cứ. Do đó, việc ông Lưu Hồng Dương cứ khăng khăng cho rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc là một luận cứ sai trái.

Thứ hai, ông Lưu Hồng Dương đã cố tình làm sai lệch khi viện dẫn bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9-1958 là một sự công khai thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa. 

Trong bức thư này, ông Phạm Văn Đồng không đề cập từ nào đến lãnh thổ của Trung Quốc, cũng không nói đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Phạm Văn Đồng chỉ biểu lộ và đồng tình với yêu sách của Trung Quốc về vùng biển 12 hải lý. Hơn nữa, việc ông Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo này là hợp lý trong bối cảnh lịch sử: Hai quần đảo này khi ấy đã và đang nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa kể từ năm 1956 như đã nói ở trên. 

Là một bên tham gia Hội nghị Geneva, Trung Quốc chắc chắn ý thức rõ thực tế việc quản lý trên thực địa Việt Nam được chia ra ở đường vĩ tuyến 17 theo Hiệp định Geneva 1954. 

Hơn nữa, những tuyên bố của Trung Quốc rằng không có tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa là trái với những gì được thừa nhận bởi các lãnh đạo Trung Quốc. Ví dụ như vào tháng 9-1975 phó Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình đã nói với Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn rằng hai bên (Trung Quốc và Việt Nam) có những ý kiến khác nhau về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng sẽ được giải quyết thông qua đàm phán. Tuyên bố này đã được lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12 tháng 5-1988. 

Tuy nhiên, ông Lưu Hồng Dương đã có một điểm đúng khi nói rằng “Chúng ta không nên nghe chỉ một phía của câu chuyện.” Tôi xem đây như một lời mời giới thiệu đến độc giả câu chuyện từ góc nhìn của tôi. 
--------
Người viết là Đại sứ Việt Nam tại Indonesia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét