Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái
gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày
14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt
Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của
bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng
như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử
đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong
chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa
yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa của Việt Nam.
Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958,
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết
định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của
Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa
(tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, ngày
14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm
Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:
"Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng
lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành
bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân
dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng
quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm
triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ
với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính
gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng".
Cần phải thấy rằng, các tuyên bố nói trên của Trung
Quốc cũng như của VNDCCH ra đời trong bối cảnh có nhiều chuyển biến phức
tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo
luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung
quanh eo biển Đài Loan.
Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội
nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào
năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một
số quốc gia.
Từ đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý tới
nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển, bộc lộ ý đồ mở rộng
chủ quyền trên biển. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển,
cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển.
Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung
Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm
giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong
chiến lược cho tương lai, thì việc cạnh tranh trên biển, cũng như tìm
kiếm những nguồn tài nguyên trên biển là một vấn đề được Trung Quốc đặt
ra.
Trên thực tế, cũng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã
hình thành ý định nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt
Nam. Rõ ràng, việc nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt
Nam từ thế kỷ XX đã nằm trong chiến lược "lấn sân" của Trung Quốc về
tham vọng mở rộng biên giới quốc gia trên biển.
Đảo Núi Le ở quần đảo Trường Sa. |
Ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng
thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển
Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên
eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc
cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan,
ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo
ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Các nhà chép sử gọi đây là cuộc khủng hoảng
eo biển Đài Loan lần thứ nhất.
Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên
bố sẽ "giải phóng" Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim
Môn và Mã Tổ.
Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ
đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng
thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can
của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này.
Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển
Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã
pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài
Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến
bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn
và Mã Tổ.
Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên.
Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu.
Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về người Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực.
Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.
Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Một phần nội dung của bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời cũng vi phạm nghiêm trọng các cơ sở pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận cũng như đã nhiều lần tái thừa nhận một cách minh thị là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ VNDCCH trong bối cảnh quan hệ hữu nghị rất đặc thù với Trung Quốc đã khẳng định lập trường ghi nhận, tán thành tuyên bố giới hạn 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, còn những nội dung cụ thể diễn giải vượt quá phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo các hiệp ước quốc tế đã không được đề cập tới như là một sự mặc nhiên thừa nhận sự vô hiệu của nó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế.
Trong khi đó, Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Bức Công hàm ngày 14-9-1958 của Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký |
Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên càng thấy rõ
một sự thật hiển nhiên là Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm
Văn Đồng đơn giản chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không
hề nhắc lại các nội dung mập mờ liên quan đến các quần đảo thuộc chủ
quyền của Việt Nam. Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ
chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý
của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như
lập luận phía Trung Quốc), cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con
ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất
nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để
giành độc lập, tự do.
Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động
ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 1958 có thể hiểu
không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách
mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Genève năm
1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho VNDCCH.
Nội dung Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp
với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa VNDCCH và Trung Quốc bấy giờ,
đồng thời cũng hàm chứa thái độ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của người
Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là quan điểm
nhất quán của Việt Nam, bởi từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam
và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và
hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra
nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa.
Một cơ sở nữa trên phương diện pháp lý, nước VNDCCH
lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc,
Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố
của VNDCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh
hưởng đến vụ tranh chấp. Tuy nhiên, có tác giả đã cố tình nêu thuyết
"estoppel" để suy diễn những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với
Việt Nam.
Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào
có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc,
ngoại trừ thuyết "estoppel". Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp
một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do
đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các
điều kiện chính: (1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc
cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách
minh bạch; (2) Quốc gia nại "estoppel" phải chứng minh rằng mình đã dựa
trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những
hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) Quốc gia nại "estoppel" cũng
phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã
bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố
đó; (4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được
phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ: bản án "Phân định biển
trong vùng Vịnh Maine", bản án "Những hoạt động quân sự và bán quân sự
tại Nicaragua", bản án "Ngôi đền Preah Vihear"...
Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những
lời tuyên bố của VNDCCH, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở
trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ
nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của VNDCCH. Trung
Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào
những lời tuyên bố đó. VNDCCH cũng không được hưởng lợi gì khi có những
lời tuyên bố đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét