Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Phải cho thấy VN xứng đáng được ủng hộ (Tuổi Trẻ 20/5/2014)

Nguồn: http://tuoitre.vn/The-gioi/608239/phai-cho-thay-viet-nam-xung-dang-duoc-ung-ho.html

Tiến sĩ Jonathan London:

Phải cho thấy Việt Nam xứng đáng được ủng hộ

20/05/2014 08:00 (GMT + 7)
TT - Tiến sĩ Jonathan London, giáo sư người Mỹ thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của ĐH Hong Kong, trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề nóng trên biển Đông hiện nay với những giải pháp cần thực hiện.

* Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, từng làm việc tại Học viện Đức về các vấn đề quốc tế và an ninh, trụ sở tại Berlin, gần đây trả lời phỏng vấn đài Deutsche Welle (Đức) cho rằng hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc là một phép thử với tính đoàn kết của ASEAN và kết luận rằng: Trung Quốc đang thoái lui và chính sách trên biển của Trung Quốc là thiếu nhất quán. Ông có cho rằng một nhận định như thế là quá sớm khi những vụ ngăn cản, đụng độ nhau trên biển vẫn còn đó?
Tiến sĩ Jonathan London - Ảnh do ông London cung cấp
- TS Jonathan London: Việt Nam cần cho thấy rằng mình tích cực hơn trong việc thúc đẩy mối quan hệ với những quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi các tuyên bố hung hăng của Bắc Kinh, bao gồm Philippines, Indonesia và Malaysia. Một là làm bạn với tất cả, hai là có những người bạn cùng kề vai sát cánh với bạn.
Tình huống hiện tại dĩ nhiên là phức tạp khi xét đến mối quan hệ với Mỹ. Mối quan hệ Việt - Mỹ nên và có thể được phát triển sâu sắc hơn hiện giờ. Là một học giả nghiên cứu về kinh tế chính trị so sánh, tôi cho rằng mọi quốc gia cần phải cẩn trọng khi thiết lập mối quan hệ với Mỹ (ngay cả Hàn Quốc cũng đã nhận ra điều đó).
Cuộc khủng hoảng hiện tại giúp cả Việt Nam và Mỹ một lý do để củng cố mối quan hệ giữa họ, và nhiều lý do hơn để vượt qua nhiều rào cản khác nhau cho một mối quan hệ hữu hảo hơn. Nhưng tôi nghĩ cho đến nay bất cứ sự củng cố quan hệ nào với Washington cũng nên tập trung vào nhu cầu duy trì một khu vực ổn định.
* Thưa tiến sĩ, đằng sau việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam là mưu đồ gì? Ông có nghĩ Trung Quốc muốn gây ra việc này để tránh đi những bất ổn nội địa, chẳng hạn vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề tha hóa xuống cấp của một số quan chức…?
- Có một sự thống nhất chung trên bình diện quốc tế là Bắc Kinh triển khai giàn khoan chủ yếu mang tính chính trị. Nó phục vụ ít nhất ba mục đích khác biệt nhưng có liên quan với nhau: thay đổi hiện trạng bằng cách khai thác tài nguyên ở những khu vực tranh chấp trái với quy tắc quốc tế, thăm dò phản ứng của các quốc gia khác, trong đó chủ yếu là Việt Nam và Mỹ, và tham gia chính sách ngoại giao cưỡng ép.
* Căng thẳng ở biển Đông hiện tại có ảnh hưởng đến chính sách xoay trục về châu Á của Washington không, thưa ông?
- Chúng thật sự là một vấn đề nan giải đối với Washington. Dù một số người đã bày tỏ quan ngại rằng Mỹ đã không đưa ra một quan điểm thuyết phục và mạnh mẽ hơn, nhưng tôi tin rằng phản ứng của Mỹ đối với những căng thẳng hiện tại trên biển Đông đã rõ ràng rồi.
Nhiều người kỳ vọng những căng thẳng hiện tại trên biển Đông sẽ thay đổi nội dung chính của các cuộc thảo luận giữa Hà Nội và Washington về can thiệp quân sự. Theo tôi, hiện tại chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ vẫn còn mơ hồ và tôi không biết nó sẽ có ý nghĩa gì theo những thuật ngữ quốc tế trong tương lai.
Không ai muốn thấy khu vực này trở thành một cuộc tranh giành quyền bá chủ căng thẳng và không bao giờ kết thúc. Cái được gọi là chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ không nên thiên về các vấn đề quân sự, mà nên được hiểu là thúc đẩy sự thịnh vượng thông qua hợp tác.
Cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, Trung Quốc không thiếu những bất ổn trong nước. Việc Trung Quốc mở rộng quân sự và tuyên bố chủ quyền vô lý bên ngoài nước nhằm khơi ngòi một cuộc chạy đua vũ trang khu vực.
Ngược lại, nếu các vấn đề khu vực có thể được dàn xếp thông qua các biện pháp hòa bình thì tất cả quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Việt Nam, có thể tập trung nguồn lực vào phục vụ nhu cầu của người dân. Những âm mưu thực thi tuyên bố chủ quyền không có căn cứ pháp lý thông qua các biện pháp quân sự sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, chẳng hạn như sẽ khiến tất cả quốc gia trong khu vực chuyển nguồn lực khỏi những nơi cần nguồn lực này nhất. Ngược lại, một giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột cho phép hai quốc gia chú trọng nguồn lực vào những nơi cần thiết nhất.
* Việt Nam nên có giải pháp gì để ngăn chặn những hành vi ngang ngược của Bắc Kinh trong vụ giàn khoan Hải Dương 981? Theo ông, liệu có giải pháp nào êm đẹp cho hai bên không?
- Giải pháp hứa hẹn nhất để đối phó với sự hung hăng (của Trung Quốc) là thuyết phục Bắc Kinh rằng việc nước này dừng và kết thúc các hành động hung hăng, khiêu khích, cố gắng thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho họ.
Có một loạt giải pháp hòa bình nhưng không có giải pháp nào có sẵn cả. Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến quân sự và các quốc gia trong khu vực và thế giới cũng vậy. Xung đột quân sự cần phải được tránh bằng mọi giá. Việt Nam cũng cần phải chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Việt Nam xứng đáng nhận được sự ủng hộ của họ bằng việc thực hiện cải cách như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm nay.
* Cho đến nay Mỹ chỉ đưa ra những phát ngôn đầy tính ngoại giao, trong đó “mạnh nhất” chỉ là gọi hành động của Trung Quốc ở biển Đông mang tính khiêu khích. Riêng với Việt Nam, trong vài ngày qua một số quan chức quân sự Mỹ đã bắn đi tín hiệu về mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Việt Nam có khởi sắc hơn. Ông có nhận thấy điều đó?
- Vâng. Hợp tác để có nền quân sự mạnh hơn dường như là điều hợp lý, dựa trên cán cân quyền lực thiếu cân bằng trong khu vực hiện nay. Tuy nhiên, hợp tác với Mỹ về bất cứ quy mô nào chắc chắn sẽ mang theo hậu quả. Trong một email trao đổi gần đây, học giả và trí thức Mỹ danh tiếng Amitai Etzioni, người ủng hộ chiến lược “Kiềm chế lẫn nhau” trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, có cảnh báo với tôi về nguy cơ xem tranh chấp với Trung Quốc là sự xung đột quân sự tiềm tàng. Có thể hiểu Mỹ đang thăm dò để thúc đẩy mối quan hệ quân sự với Việt Nam nhưng những quyết định này phải tính đến các chiến lược khu vực rộng hơn và giảm tối thiểu khả năng quân sự hóa khu vực. Việt Nam cần phải cân bằng nhu cầu cấp bách về khả năng tự vệ - những gì cần thiết cho một mệnh lệnh hòa bình. Nhưng về cơ bản, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phải ổn định. Tuy nhiên mối quan hệ này không thể ổn định nếu như những quy tắc quan trọng nhất trong khu vực không được tôn trọng.
QUỲNH TRUNG thực hiện
Tổng thống Philippines lại tố cáo Trung Quốc
Hôm qua, theo Reuters, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cáo buộc Trung Quốc vi phạm quy tắc ứng xử biển Đông do triển khai cải tạo đất ở bãi cạn trên biển đang trong tình trạng tranh chấp. “Theo quan điểm của chúng tôi, những gì họ đang làm đã vi phạm những gì chúng ta đã nhất trí trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” - ông Aquino nói với các nhà báo. Ông Aquino nói Việt Nam và Philippines đang thúc đẩy việc hoàn tất bộ quy tắc ứng xử này.
Cùng ngày, Indonesia đã kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở biển Đông tiếp tục đối thoại toàn diện để duy trì hòa bình khu vực. Sau khi chính thức khai mạc hội nghị “Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện” vào hôm qua, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa phát biểu: “Tất cả các bên cảm thấy cuộc khủng hoảng leo thang và tình hình bất ổn hiện tại. Do vậy, đối thoại không chỉ là một lựa chọn mà còn là sự cần thiết. Tất cả các bên phải hợp tác cùng nhau để bảo đảm rằng tình trạng ở biển Đông một lần nữa diễn biến theo chiều hướng có lợi”.
Trong khi đó ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lại lên tiếng cho rằng ASEAN cần giữ thái độ trung lập trong căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Q.TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét