Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Trung Quốc đang đi bước đơn phương trong lãnh hải và chính trị (International New York Times 12/5/2014)

TRUNG QUỐC ĐANG BƯỚC ĐI ĐƠN PHƯƠNG TRONG VẤN ĐỀ LÃNH HẢI VÀ CHÍNH TRỊ

Lê Công Tuấn dịch
---------- 
'Giàn khoan nước sâu trong vùng biển tranh chấp là một tuyên bố thẳng thừng về ý định của minh.'

'Trung Quốc dường như sẵn sàng hành động trước tiên và kêu mời ngoại giao sau.'

Đó là niềm tự hào của ngành công nghiệp dầu nhà nước của Trung Quốc và là giàn khoan quốc gia đầu tiên có khả năng khoan nước sâu - một con tàu lớn như một sân bóng đá và cao bằng một tòa nhà 40 tầng, với giá 1 tỷ USD. Nó đã bò vào Biển Đông đầu tháng này, kèm theo nhiều tàu kéo hạng nặng, và đậu lại một trong những điểm nhạy cảm nhất có thể, khoảng 17 dặm ngoài khơi một hòn đảo đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Người Việt Nam, vốn chấp nhận là anh em trong sự trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị bất ngờ. Hà Nội cho rằng giàn khoan, được gọi là HD-981, chỉ đi ngang qua, vài người gần gũi với chính phủ cho biết như vậy.

Ít nhất hai lần trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách để khám phá những vùng biển này và đã lắng xuống sau những phản kháng của Việt Nam. Chỉ sáu tháng trước, trong một chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc đến Hà Nội, hai bên đã thông báo rằng họ sẽ cố gắng tìm cách để cùng phát triển các mỏ dầu và khí đốt.

Thiện ý đó đã bốc hơi tuần trước khi Bắc Kinh đã tỏ rõ rằng giàn khoan đã được đặt cố định. Điều này dẫn đến bốn ngày đối đầu căng thẳng, với hàng chục tàu hải quân Trung Quốc và Việt Nam đâm nhau và Trung Quốc sử dụng vòi rồng, tạo ra sự bế tắc có nguy cơ biến một khu vực phát triển kinh tế thành một cuộc xung đột quân sự.

Trung Quốc đã chưa từng hổ thẹn trong những năm gần đây về những tuyên bố rộng rãi nhầm kiểm soát phần lớn Biển Đông. Nhưng bằng cách cài đặt một giàn khoan đắt tiền trong vùng biển tranh chấp, họ tỏ ra sẽ sẵn sàng hành động trước và mời ngoại giao sau. Điều đó có tác dụng tạo ra ''sự việc đã rồi'' buộc các quốc gia đối thủ trong khu vực, và cuối cùng là Hoa Kỳ, hoặc là phải chấp nhận hoặc chiến đấu.

Trung Quốc đã báo hiệu sẽ thực hiện các bước đơn phương năm ngoái, khi họ tuyên bố một khu vực phòng không trên các phần của Biển Đông Trung Quốc bao gồm các hòn đảo là tâm điểm của một tranh chấp kéo dài âm ỉ với Nhật Bản. Trong trận đấu trí với Việt Nam, Trung Quốc đã tung ra một công cụ mới và có khả năng mạnh mẽ trong cuộc chiến lãnh thổ: đó là ngành công nghiệp dầu mỏ và các giàn khoan mà một quan chức của công ty dầu nhà nước từng gọi là 'lãnh thổ quốc gia di động của chúng tôi'. Việc triển khai các giàn khoan đánh dấu một thay đổi về cuộc chơi trong quyết tâm của Trung Quốc nhằm thống trị Biển Đông, vì muốn thăm dò khai thác dầu đòi hỏi phải đầu tư đáng kể và thường xuyên bảo vệ, do đó trong trường hợp này, Trung Quốc đã đem theo nhiều con tàu của mình, gồm cả lực lượng hải quân.

''Trung Quốc đã tiến hành các bước tăng nhiệt, leo thang và tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Nam Trung Quốc, nhưng điều này đã vượt quá ngưỡng'', Holly Morrow, một thành viên địa-chính trị của Chương trình Năng lượng tại Đại học Harvard, người đã phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền George W. Bush, cho biết.

Không rõ là ván cờ của Trung Quốc sẽ kết thúc theo cách mà lãnh đạo của nó hy vọng hay không. Hai năm trước, Trung Quốc đã có thể gạt khỏi Philippines một rạn san hô đang tranh chấp, mà không cần thiết phải chiến đấu, chỉ bằng cách đơn giản từ chối tuân theo một thỏa thuận có Mỹ làm trung gian. Philippines rút lui, như đã hứa. Trung Quốc thì không, và đã kiểm soát bãi đá ngầm gọi là bãi cạn Scarborough, cùng nguồn thuỷ sản phong phú của nó kể từ đó.

Việt Nam đã chứng tỏ là một đối thủ khó khăn hơn, đã đưa tàu của mình để đối ứng các đội tàu Trung Quốc và, theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc, đã sử dụng chúng để đâm tàu Trung Quốc nhiều đến 171 lần trong bốn ngày.

Một nhà phân tích chính trị Việt Nam nổi bật, Nguyễn Quang A, đã tóm tắt những bế tắc kể trên như thế này: ''Xâm lược đã ở trong máu của họ, và phản kháng đã ăn vào máu của chúng tôi''.

Về thời điểm, động thái này theo nhận thức của một số người trong khu vực được xem như là một thử nghiệm nhằm kiểm tra không chỉ về khả năng của các quốc gia Đông Nam Á đứng lên phản kháng láng giềng phương Bắc mạnh hơn họ rất nhiều, nhưng cũng kiểm tra về quyết tâm của Tổng thống Obama khi chưa đầy một tháng cách đây ông có hứa sẽ hỗ trợ các đồng minh của Mỹ ở châu Á khi họ đối phó với một Trung Quốc mạnh hơn.

Chủ nhật vừa qua, Việt Nam và Philippines hành động mạnh mẽ hơn để đối đầu với hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á họp tại Myanmar, theo báo cáo của Hãng thông tấn AP.

Một tuyên bố của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại thời điểm bế mạc cuộc họp hôm Chủ Nhật có bày tỏ lo ngại và kêu gọi kiềm chế của tất cả các bên liên quan về tranh chấp lãnh hải, nhưng không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, Hãng thông tấn AP cho biết, trong khi cả Việt Nam và Philippines đều đã nói rõ họ muốn hành động mạnh mẽ hơn.

Tổng thống Benigno Aquino III của Philippines nói trước đó rằng ông có ý định nêu lên vấn đề tranh chấp lãnh thổ của đất nước mình với Bắc Kinh tại cuộc họp, trong khi kêu gọi hỗ trợ để giải quyết xung đột thông qua trọng tài quốc tế, báo cáo của AP cho biết. ''Hãy để chúng tôi duy trì và thực hiện theo các quy định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ để thể hiện sự công nhận và tôn trọng các quyền của tất cả các quốc gia'', ông Aquino cho biết trong một tuyên bố. "Chúng ta không thể chỉ dựa vào các cuộc đối thoại giữa hai quốc gia để giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến những quốc gia khác trong khu vực.''

Hành động của Trung Quốc trong việc di chuyển giàn khoan là gần như chắc chắn về một kế hoạch dài hạn - việc triển khai một giàn khoan nước sâu mất vài tháng chuẩn bị. Nhưng một nhà ngoại giao cấp cao của châu Á có quan hệ sâu trong khu vực cho biết một số quan chức vẫn có ấn tượng rằng sau chuyến thăm của ông Obama, Hoa Kỳ sẽ tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc về yêu sách của mình ở Biển Đông.

Tại một cuộc họp báo ở Manila, ông Obama lái câu trả lời sang một hướng khác khi được hỏi liệu Washington sẽ bảo vệ Philippines nếu tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đã trở thành một cuộc xung đột vũ trang; ông nói, ''Chúng tôi không nghĩ rằng cưỡng chế và đe dọa là cách để quản lý các tranh chấp này''. Một vài ngày trước đó ông đã thực hiện một tuyên bố mạnh mẽ sẽ hỗ trợ cho Nhật Bản trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Nâng cao vị thế trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Philippines cho biết hôm thứ Bảy rằng họ đã bắt giam 11 ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển đang bị đe dọa trong một phần của Biển Đông đang tranh chấp giữa hai quốc gia.

Các ngư dân đã bị giam giữ hôm thứ ba bởi cảnh sát quốc gia Philippines, khi phát hiện 350 con rùa biển đang được chuyển khỏi bãi nổi Half Moon Shoal trong quần đảo Trường Sa.

Các ngư dân phải đối mặt với án tù từ 12 đến 20 năm. Họ đang bị giam giữ về tội vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã. ''Họ sẽ vẫn phải bị giam giữ cho đến khi văn phòng của công tố viên tỉnh đã xác định liệu có ổn không nếu chỉ buộc họ nộp phạt, ''Allen Ross Rodriguez, một luật sư của chính phủ, nói với hãng thông tấn AP.

Ít người tin được rằng thăm dò năng lượng là mục đích chính cho sự xuất hiện của giàn khoan HD -981, thuộc sở hữu của Tổng công ty National Offshore Oil, hay CNOOC – công ty năng lượng khổng lồ của Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà địa chất và các công ty năng lượng lớn đã tranh luận về việc liệu đáy biển của phần biển Trung Quốc nắm giữ có nhiều trữ lượng dầu khí đáng giá hay không. Nhiều người hoài nghi, đặc biệt là khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa, mà các giàn khoan dự tính sẽ khám phá; và đã có một đánh giá năm 2013 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hòa Kỳ, cho rằng khu vực này không thể có nhiều dầu hay khí đốt.

''CNOOC không chỉ là một doanh nghiệp mà còn là một nhà diễn kịch chính trị'', bà Morrow của ĐH Harvard nói. ''Nó không bao giờ chỉ đơn thuần về năng lượng, mà về chủ quyền”.

Tuy nhiên, sự hăng hái của công ty trong việc khoan dầu trong khu vực có thể được tăng cường bởi các kết quả chẩn đoán ba chiều địa chấn thực hiện cuối tháng Năm và tháng Sáu, theo một báo cáo của cơ quan thông tấn nhà nước - Tân Hoa Xã.

Trước đây, chỉ có thể khảo sát địa chấn hai chiều, ít đáng tin cậy, ông Peter Dutton, giáo sư kiêm giám đốc của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Hoa Kỳ của ĐH Hải Quân ở Rhode Island cho biết.

Một động cơ khác cho việc khoan dầu là vì vị trí này nằm gần hai khu vực mà C.Ty Exxon Mobil đã phát hiện có trữ lượng dầu khí đáng kể trong năm 2011 và 2012, các luật sư năng lượng tại Hồng Kông cho biết. Giàn khoan dầu CNOOC và các hành vi khác về sự quyết tâm của Trung Quốc trong vùng biển Nam Trung Quốc trong vài tháng qua đã đến giai đoạn cao trào, theo Ernest Z. Bower và Gregory B. Poling –thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, người đã đăng các bài viết về vấn đề này trên website.

''Không có dấu hiệu ai sẽ chớp mắt trước'', họ viết.

(International New York Times 12/5/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét