Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Đụng độ trên Biển Đông: Trò chơi nguy hiểm của Châu Á (The Diplomat 10/5/2014)

ĐỤNG ĐỘ TRÊN BIỂN ĐÔNG: TRÒ CHƠI NGUY HIỂM CỦA CHÂU Á

Đã tới lúc vùng Đông Á hợp tác đứng lên chế ngự các khuynh hướng bành trướng.

Tác giả: Sreeram Chaulia (10/05/2014)-The Diplomat; Hà Nguyễn dịch


------------
Những va chạm giữa các tàu chiến VN và TQ tiếp theo sau việc TQ cho thiết lập một giàn khoan nước sâu ngay trong khu vực đang tranh chấp ở biển Đông đánh dấu một sự leo thang nguy hiểm của những căng thẳng vốn đã âm ỉ từ lâu. Tương tự với điều này ở quanh quần đảo Hoàng Sa, các cơ quan hàng hải Philippines đã bắt giữ các ngư dân TQ đến hoạt động trong một khu vực cũng được nhiều nước muốn chiếm giữ-là quần đảo Trường Sa, châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa Bắc kinh và Manila.


TQ, VN và Philippines là đại diện cho một bộ ba đầy bất ổn và căng thẳng ở vùng Châu Á-TBD thông qua những tuyên bố mang nặng tinh thần quốc gia chủ nghĩa và không thể tương hợp với nhau được về chủ quyền đối với các đảo và các vùng biển giàu năng lượng. (Người ta ước lượng BIển Đông có 11 tỉ thùng dầu và khoảng 5 ngàn tỉ m khối khí tự nhiên). Vì vậy giữa ba nước này đã hình thành sự thù địch sâu sắc đến nỗi ngay cả những tên gọi mà các nước này dùng cho khu  vực tranh chấp-nơi họ có những màn biểu dương lực lượng-cũng đã gây tranh cãi. Đối với VN, cái tên “biển Nam Trung Hoa” là một sự sỉ nhục; họ thích gọi nó là “Biển Đông” –tức là vùng biển ở phía đông nước VN. Philippines thì cho rằng phần biển Nam TH thuộc về vùng kinh tế đặc quyền của họ phải được gọi là “biển Tây Philippines”-vốn là tên gọi mà TQ đã phủ nhận. Danh xưng đầy đe dọa của TQ “đường chín đoạn”, hay đường lưỡi bò” đã được họ đặt ra dựa trên lý luận là toàn bộ vùng biển và các hải đảo ở biển Nam TH đã thuộc về chủ quyền của họ từ thời Trung cổ, khiến gợi lên những ký ức về một quá khứ đế vương.

Mặc dù biển Nam TH từ lâu đã là điểm nóng của chủ nghĩa quốc gia thù nghịch, căn nguyên của những bất ổn hiện nay lại bắt nguồn từ sự tái sinh của TQ thời kỳ sau 2008 như một quyền lực hãnh tiến trong khu vực. Trước đó thì Bắc Kinh đã duy trì kiểu hành xử nhu hòa và không gây chiến trong mối quan hệ với các nước láng giềng nhỏ hơn thuộc khu vực ĐNA. Giới lãnh đạo TQ vốn đã thừa kế chủ nghĩa thực dụng kinh tế của Đặng Tiểu Bình  hồi cuối thiên niên kỷ trước đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tránh xung đột với các nước láng giềng ASEAN khi họ muốn tìm kiếm thêm những mối liên kết đầu tư và quan hệ mậu dịch sâu sắc.

Bằng cách thể hiện rằng nước TQ hùng mạnh có thể xoa dịu nỗi lo sợ của các nước láng giềng yếu thế  hơn bằng sự trưởng thành, Bắc kinh đã đánh bóng lập luận “tăng trưởng hòa bình” của mình, khi cố làm an lòng phần còn lại của thế giới rằng không có gì phải dè chừng sự đi lên của TQ. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao không đối đầu trong khu vực này bắt đầu phai nhạt từ năm 2008, mở đường cho một nước TH  hiếu chiến hung hãn hơn cứ gầm ghè gây sự với láng giềng của mình, để triển khai chiến tranh kinh tế, và thích thú theo dõi những sự cố hải quân và những màn đụng độ trên biển.

Bản tính cốt lõi của giới lãnh đạo dân sự cũng như quân đội TQ tự nó đã hiện nguyên hình là sự-tự-tin-hậu-Đặng mà giờ đây đã tới lúc TQ tung sức mạnh của mình đi khắp nơi để buộc các nước nhỏ hơn phải vào khuôn phép. Lời nhận xét nổi tiếng của ông Bộ trưởng Ngoại giao TQ Dương Khiết Trì phát biểu với các đối tác ĐNA vào năm 2010 là, “TQ là một nước lớn, còn những nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế”, đã cho thấy tâm trạng của Bắc kinh: không cần chơi đẹp, cứ xử tới bằng dao.

Song hành với ý chí không ngừng nghỉ của TQ trong kiểu hành xử để cho các nước ĐNA phải khiếp sợ mà giạt đường cho mình là việc khoét rộng các mâu thuẫn với Nhật bản ở Bắc Á. Mặc dù TT Obama đã ngó lơ, làm như vụ Điếu Ngư chỉ là chuyện vặt vãnh, nhưng đây lại là một trong những cục xương lớn trong các tranh chấp giữa TQ và Nhật; quan hệ Bắc Kinh và Tokyo vẫn đang được đẩy tới chỗ mâu thuẫn- vốn dĩ đã được khuếch đại từ nỗi đau lịch sử do tội ác mà binh lính Nhật đã gây ra hồi thế chiến thứ II.

Từ năm 2010, căng thẳng giữa TQ và Nhật bản đã hình thành từ những cuộc va chạm giữa các tàu đánh cá, từ vụ tàu TQ chĩa radar vào tàu hải quân Nhật, và vụ TQ thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên các hòn đảo có tranh chấp. Mối quan hệ mật thiết giữa hải quân Mỹ và Nhật, và ý chí của Ngoại trưởng Nhật Shinzo Abe -người có tinh thần quốc gia cao độ đã trả lời TQ theo kiểu ăn miếng trả miếng- đã làm tăng thêm sức nóng trong mối quan hệ này. Lời bảo đảm của TT Obama đối với Nhật hồi tháng trước rằng hiệp ước liên minh với nhau của họ có tính tới quần đảo Điếu Ngư đã được đón nhận với sự phẫn nộ và cay đắng ở TQ, quốc gia đang nhắm tới việc duy trì quyền lực cầm đầu của mình đối với các đối thủ cạnh tranh ở Châu Á-TBD mà không cần bất cứ một “can thiệp từ bên ngoài”.

Giờ đây TQ đang tăng dần kiểu hành xử gây khó chịu trong quan hệ với VN, Philippines và Nhật. Bắc Kinh thực hiện những hành động khiêu khích trên biển và trên không dọc theo rìa các khu vực tranh chấp, nhằm để kiểm tra vùng biển theo nghĩa đen và để dò xem mỗi nước sẽ phản ứng như thế nào. Việc TQ dễ dàng chiếm được bãi cạn Scarborough ở biển Đông bằng cách dựng tường ngăn cách nó với Philippines đã chỉ càng khiến Bắc Kinh càng thêm dạn dĩ hơn.

Giờ đây TQ đang sử dụng cùng một kiểu “chiến thuật bắp cải”, bằng cách cho tàu dân sự vào cắm rễ trước, rồi đến những lớp bảo vệ quân sự bọc bên ngoài, nơi những vùng biển đã được VN và NB tuyên bố có chủ quyền, rồi cứ lì ra mặc cho các nước này giận dữ.

Trường hợp duy nhất cho thấy TQ đã mất trí trong cuộc chơi thiết lập quyền lực tối thượng này là lúc họ dựng nên vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Không lực của Nhật và Hoa Kỳ đã phớt lờ đường ranh giới của khu vực này, và vẫn tiếp tục định kỳ ra vào khu vực ấy mà không hề bị trừng phạt. Bị đối mặt với tình huống đáng lẽ phải hô hoán lên về vùng cách ly của mình, Bắc Kinh lại lặng lẽ rút lui và thôi không tuyên bố về những “vi phạm” của Mỹ và Nhật.  Bài học quá rõ: TQ chỉ có thể bị ảnh hưởng bởi những đòn phản công từ các đối thủ có lực lượng bằng hoặc lớn hơn mình.

Phát hiên này cũng có ngụ ý nói về an ninh quốc gia của Ấn Độ, là xứ đã bị rúng động bởi cuộc tiến công bất ngờ của quân đội TQ vào sâu trong lãnh thổ Ấn ở Đường Kiểm soát thực tế (Line of Actual Control-LAC) ở vùng Daulat Beg Oldi thuộc Ladakh hồi năm 2013. Cũng bằng kiểu tiếp cận hống hách, với một mắt mở để nắn gân hàng xóm và để dò xem mình có thể lấn được bao xa bên kia lằn ranh đỏ (biên giới), TQ đang chống lại các nước láng giềng ở Đông Á bằng cách áp dụng chiến thuật của nó đối với Ấn Độ. Những cuộc thảo luận song phương về biên giới giữa Bắc kinh và New Delhi có thể kéo dài vô tận, nhưng TQ đang dò dẫm vùng LAC, tìm kiếm những cơ may để tận dụng chúng và để thăm dò phản ứng của Ấn Độ.

Mục tiêu mà Bắc Kinh hay cổ xúy, là “một môi trường láng giềng hữu hảo, thịnh vượng và an ninh” giờ đây đang bị đe dọa bởi chính sự tráo trở của nó, trở thành một anh hàng xóm hung hăng chỉ muốn lấy thịt đè người với lợi thế quyền lực bất cân xứng của mình. Và hậu quả cốt lõi của thái độ bội ước của TQ có thể là toàn bộ khu vực Đông Á sẽ gắn kết với nhau thành một khối, hình thành nên một cân bằng quyền lực để kiểm soát nhất cử nhất động của TQ.

Hiện tại, Đông Á là một bức tranh rời rạc và phân tán, nhờ vậy mà TQ được hưởng lợi. Ấn Độ, một thành viên của Hội nghi Thượng đỉnh Đông Á, phải đóng vai trò quyết định trong việc dựng nên một khối trung gian có thể làm việc với nhau để kiềm chế xu hướng bành trướng. Một công ty dầu mỏ của chính phủ Ấn, ONGC Videsh, đã vừa hợp tác với Petro VN để hoạt động ở Biển Đông. Những tập đoàn liên doanh thương mãi hàng hải liên kết giữa các công ty từ những nước nhỏ đang có tuyên bố chủ quyền và đang bị TQ quấy nhiễu sẽ là những đầu tư đáng giá để Ấn Độ tìm hiểu và khởi động. Khu vực Biển Đông cần có khả năng hành động theo kiểu “cá đối bằng đầu” (bình đẳng mà đối đầu)-để đáp trả lại các hành vi của TQ, để cho vùng Châu Á- TBD trở nên dễ thở hơn.

(Sreeram Chaulia-Giáo sư và HIệu trưởng trường Quan hệ QUốc tế Jindal, ở Sonipat, Ấn Độ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét