Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Việt Nam thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào? (Tuần Việt Nam 13/5/2014)

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/174962/vn-thoat-the-ket-o-bien-dong-the-nao-.html

VN thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?

Rõ ràng Việt Nam cần tự thoát khỏi tình thế này bằng cách tự đổi mới mình. Là nước nhỏ trong tranh chấp, Việt Nam nhận được sự cảm thông toàn cầu trước o ép từ phía Trung Quốc.

Đâu là "cái phanh" xung đột?
Tìm ra một giải pháp tránh xung đột ở Biển Đông là không dễ dàng. Trung Quốc muốn thâu tóm Biển Đông để vươn ra thế giới, trở lại thời hoàng kim là "trung tâm của thiên hạ". Mỹ không muốn điều này xảy ra nhưng không thể tự mình "bảo vệ" Biển Đông nếu các nước có tranh chấp như Việt Nam không phải là đồng minh. Như vậy, nếu Việt Nam nghiêng về Trung Quốc thì việc mất Biển Đông và lệ thuộc vào họ là điều nhãn tiền. Còn Việt Nam nghiêng về phía Mỹ thì tự biến mình thành tuyến đầu chống Trung Quốc, đẩy dân tộc vào nguy cơ xung đột nhiều rủi ro.

Theo lý thuyết thì nếu thương mại giữa hai nước tăng thì chiến tranh sẽ khó xảy ra vì các ràng buộc về kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thương mại Việt-Trung thì nó không phải là "cái phanh" để ngăn cản xung đột. Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2011 là 35,7 tỉ USD, tuy nhiên Việt Nam bị nhập siêu gần 13 tỉ USD từ Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc chiếm khoảng 18% tổng thương mại của Việt Nam, nhưng chưa đến 1% trong tổng số 3,87 nghìn tỉ đô thương mại của Trung Quốc. Rõ ràng, Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, và việc cắt đứt thương mại giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn đến Trung Quốc.

biển Đông, Việt Nam, thế kẹt, ngoại giao, quốc tế
Giàn khoan CNOOC 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: THX   

Dường như Việt Nam đang yếu thế trong việc đàm phán với Trung Quốc vì bị lệ thuộc trên mọi mặt trận từ kinh tế, chính trị đến an ninh. Rất không may, Việt Nam không có gì đủ hấp dẫn để đàm phán với Trung Quốc vì Biển Đông quá quan trọng với họ. Việt Nam cũng không thể bỏ Biển Đông vì Biển Đông cũng quá quan trọng với Việt Nam. Nếu mất Biển Đông coi như Việt Nam mất cửa đi ra thế giới, mất cơ hội phát triển, và mất lợi ích kinh tế từ Biển. Trong trường hợp này, liệu Việt Nam có phải "lên thuyền" với các quốc gia khác để cân bằng lại với Trung Quốc? 

ASEAN có thể giúp Việt Nam giữ Biển Đông? Câu trả lời dường như là không vì hiện tại ASEAN chỉ có thể là một cơ chế giúp Việt Nam và các nước lớn truyền tin và đàm phán, còn bản thân nó không thể là "con thuyền" đủ lớn và vững chắc chịu được sức ép từ Trung Quốc. Như vậy, "con thuyền" còn lại dường như là Mỹ để Việt Nam có thể dựa vào?

Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích đó là tự do hàng hải và ổn định ở Biển Đông. Trong những ngày qua, người phát ngôn Nhà trắng và các thượng nghị sĩ uy tín nhất của Mỹ như John McCain và Patrick Leahy liên tục đưa ra các tuyên bố lên án hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển đông. Tuy nhiên, vẫn có những rào cản để Mỹ và Việt Nam trở thành đồng minh.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có những e ngại về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam. Điều này có cơ sở vì lợi ích của Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc rất lớn, và rõ ràng động lực lớn nhất để Mỹ hành động là lợi ích quốc gia của họ. Thứ hai, việc trở thành đồng minh của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc nằm cạnh miệng hố chiến tranh với Trung Quốc. Việt Nam muốn tránh điều này bằng mọi giá vì chiến tranh đã tàn phá đất nước này quá nhiều.

Về phía mình, Mỹ dù có muốn cũng khó làm đồng minh chiến lược của Việt Nam vì những khác biệt về chính trị và bất đồng quan điểm về nhân quyền. Chính vì vậy, dù Việt Nam là  một mắt xích quan trọng trong bàn cờ chiến lược của mình ở châu Á, Mỹ khó lòng tiến xa hơn và gửi quân ứng cứu Việt Nam trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc.

Thêm vào đó, Việt Nam đóng vai trò không đáng kể trong phát triển kinh tế của Mỹ. Thương mại với Việt Nam chỉ chiếm dưới 0,65% tổng thương mại của Mỹ, so 13% thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Rõ ràng, lợi ích kinh tế của Mỹ với Trung Quốc lớn hơn với Việt Nam nhiều, đặc biệt khi Mỹ lại đang nhập siêu hàng năm từ Việt Nam gần 15 tỉ USD vào năm 2011 và ngày càng tăng.

Con đường nào cho Việt Nam?
Có một lợi ích mà cả Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam đều chia sẻ - đó là hòa bình và ổn định ở Biển Đông và châu Á. Cho dù cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn Việt Nam đứng về phía mình, nhưng họ cũng tạm hài lòng với hiện trạng.

Trung Quốc muốn Việt Nam ổn định nhưng không đủ mạnh để thách thức được họ. Việt Nam không được là "sân sau" của ai và nếu phụ thuộc vào Trung Quốc thì càng tốt. Mỹ muốn Việt Nam là liên minh để duy trì vai trò lãnh đạo ở Châu Á, nhưng không muốn gánh vác trách nhiệm bảo vệ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khác biệt về chế độ chính trị và giá trị quốc gia.

Tuy nhiên, duy trì hiện trạng mắc kẹt này không phải là điều tốt cho Việt Nam. Với chiến lược "từng bước một" Trung Quốc sẽ dần dần áp đặt sự kiểm soát của mình lên Biển Đông mà không cần đến chiến sự. Chiến lược này sẽ làm cho Việt Nam phân tâm, mệt mỏi và bất lực trước sự "gặm nhấm" của Trung Quốc. Hoa Kỳ, đôi khi sẽ lên tiếng "quan ngại sâu sắc" sau mỗi lần Trung Quốc gây hấn, nhưng không thể thách thức Trung Quốc trực tiếp vì Việt Nam không là đồng minh và những bước lấn "không đủ lớn để động binh". Điều này không ảnh hưởng đến cân bằng chiến lược toàn cầu ngay, nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Việt Nam.

Rõ ràng Việt Nam cần tự thoát khỏi thế kìm kẹp này bằng cách tự đổi mới mình. Là nước nhỏ trong tranh chấp, Việt Nam nhận được sự cảm thông toàn cầu trước o ép từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, thế giới vẫn nhìn Việt Nam như là một đồng minh chia sẻ tư tưởng và ý thức hệ với Trung Quốc. Vì vậy, sự cảm thông với Việt Nam chưa vững chắc vì không dựa trên nền tảng giá trị chung. Việc Việt Nam cải tổ theo hướng thúc đẩy nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và một xã hội dân sự phát triển chắc chắn sẽ kết nối Việt Nam với các nước phát triển. Khi đó, sự ủng hộ Việt Nam sẽ mạnh hơn nhiều, vì bên cạnh tính hợp pháp của chủ quyền Việt Nam có ở Biển Đông, lợi ích kinh tế, đầu tư, và tâm lý nghi ngờ và e ngại Trung Quốc, nền tảng giá trị sẽ là điểm tựa cho việc bênh vực Việt Nam.

Sự tự cải tổ này sẽ gây khó chịu cho Trung Quốc nhưng sẽ không là nguyên nhân để Trung Quốc gây chiến với Việt Nam. Ngược lại Trung Quốc sẽ mong Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế "trung lập" vì Việt Nam đã là một phần của các giá trị toàn cầu. Khi đó, Việt Nam sẽ "thông lưu" với các nước về kinh tế, chính trị và xã hội nhưng vẫn có thể tiếp tục hữu hảo với Trung Quốc.
Trong vị thế của một nước độc lập và bình đẳng thực sự, việc duy trì hòa bình và chủ quyền ở Biển Đông có nhiều cơ hội thành công hơn.
  • Lê Quang Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét